CHÙA VĨNH NGHIÊM, NAM ĐỊNH.

Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc ở xã Giao Tân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
CHÙA VĨNH NGHIÊM, NAM ĐỊNH.

Ở nước ta có hai ngôi chùa Vĩnh Nghiêm nổi tiếng:

1. Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa là một Trung tâm Phật giáo thời nhà Trần, nơi Trúc Lâm Tam Tổ giảng pháp và đào tạo tăng đồ cho cả nước. Chùa có nhiều pho tượng gỗ có giá trị nghệ thuật, mang phong cách tượng các thế kỷ 17, 18 và 19.

2. Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc ở số 339 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được xây dựng từ năm 1964 đến năm 1971 theo bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Chùa là ngôi phạm vũ uy nghiêm, hiện đại; là nơi diễn ra nhiều lễ hội, đại lễ, sự kiện lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chùa là một trung tâm tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội nổi tiếng ở Việt Nam.

Tại Nam Định, ngôi chùa Vĩnh Nghiêm mới thành lập trên diện tích 5.500 m2.

Chùa đã tổ chức Đại lễ khánh thành vào ngày 20/10/2012 với sự tham dự của đông đảo chư Tôn thiền đức Tăng Ni, đại diện các cấp chính quyền sở tại, cùng trên 3.000 Phật tử khắp nơi, dưới sự Chứng minh của chư vị: Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Hòa thượng Thích Viên Giác, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Hòa thượng Thích Như Niệm, Thượng tọa Thích Quảng Hà, Thượng tọa Thích Thanh Phong …

Đại đức Thích Giác Hiếu đã được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định bổ nhiệm trụ trì chùa vào ngày 20/10/2012, trong ngày khánh thành chùa.

Ở tam quan chùa có cặp câu đối khắc bằng tiếng Việt:

            Tạo lập thiền môn quảng kết thiện duyên Nam Trung Bắc,

            Khơi nguồn đạo pháp phổ độ dân chúng Phúc Tuệ Minh.

Sau tam quan, giữa hồ nước, chùa tôn trí pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm, một tác phẩm mỹ thuật bằng đá trắng được tạo tác tại Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Ngôi chánh điện là tòa phạm vũ hai tầng uy nghiêm, mỹ lệ, mang đặc trưng kiến trúc phương Đông.

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ tượng: Tam Thế Phật, đức Phật A Di Đà, đức Phật Thích Ca, đức Di Lặc, tòa Cửu Long, Thất Phật Dược Sư; chư Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền; chư Tôn giả Ca Diếp, A Nan … Hai bên điện Phật có ban thờ Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng, Thập Điện Minh Vương; ban thờ Tôn giả A Nan, Trưởng lão Cấp Cô Độc; ban thờ hai vị Hộ Pháp Khuyến Thiện, Trừng Ác … Các tượng thờ đều được tạc bằng gỗ ở làng nghề Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Chùa có nhiều cây xanh, nhiều cây bon sai lớn và nằm giữa đồng ruộng xanh ngát đã tạo nét đẹp riêng, một bức tranh thiền an tịnh!

Võ Văn Tường

Ảnh 01, 02. Toàn cảnh chùa

Ảnh 03, 04. Ngôi chánh điện

Ảnh 05. Sân trước chùa

Ảnh 06, 07. Điện Phật

Ảnh 08. Ban thờ Bồ tát Quán Thế Âm

Ảnh 09. Ban thờ Bồ tát Địa Tạng

Ảnh 10, 11. Ban thờ Hộ Pháp

Ảnh 12, 13. Ban thờ Thập Điện Minh Vương

Ảnh 14. Ban thờ Tôn giả A Nan

Ảnh 15. Ban thờ Trưởng lão Cấp Cô Độc

Ảnh 16. Đại hồng chung

Ảnh 17. Trống

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 56.

Tin cùng chuyên mục