CHÙA VĨNH NGHIÊM, BẮC GIANG.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO THỜI TRẦN. KỶ LỤC VIỆT NAM NĂM 2007: NGÔI CHÙA LƯU GIỮ BẢN KINH PHẬT GIÁO BẰNG GỖ NHIỀU NHẤT. 3.050 BẢN GỖ KHẮC KINH PHẬT ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN DI SẢN KÝ ỨC THẾ GIỚI NĂM 2012. DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT VỀ KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT NĂM 2015.
Chùa Vĩnh Nghiêm thường gọi là chùa Đức La, tọa lạc ở thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Ca dao:
Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm,
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa thành.
Tương truyền chùa được xây dựng vào thời Lý và được mở rộng vào thời Trần. Chùa là một Trung tâm Phật giáo thời nhà Trần, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước. Chùa có thể xem là nơi đặt trường đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Lịch sử chùa gắn liền với sự phát triển của thiền phái Trúc Lâm và Trúc Lâm Tam Tổ: Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), thiền sư Pháp Loa (1284-1330) và thiền sư Huyền Quang (1254-1334).
Ngôi chùa ngày nay có quy mô lớn, tọa lạc trên mảnh đất khoảng 1 hecta với các công trình kiến trúc chính như sau: cổng tam quan, ngôi chánh điện (tiền đường, thiêu hương, thượng điện), nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà Tổ đệ nhị, hai dãy hành lang đông, tây và khu vườn tháp.
Chùa có cảnh quan đẹp. Văn bia năm 1606 tại sân chùa đã ghi: “Chùa Vĩnh Nghiêm là một danh lam được xây dựng giữa một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của vùng Kinh Bắc. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng điệp điệp vây quanh thành hình cái nong. Chùa ở chỗ con sông sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc. Đây là một danh lam đứng đầu trong thiên hạ”.
Ỏ sân trước chùa có cây đại cổ thụ năm 1306, hơn 700 tuổi.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần. Kiến trúc và tượng thờ ngày nay mang phong cách thời Lê-Nguyễn. Chùa có nhiều pho tượng gỗ có giá trị nghệ thuật.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ tượng: Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Thích Ca Tam Tôn, Tôn giả Ca Diếp, Tôn giả A Nan, Bồ tát Quán Thế Âm, tòa Cửu Long; các ban thờ: Quan Âm Chuẩn Đề, Quan Âm bảo nhi, A La Hán, Minh Vương, Hộ Pháp, Tôn giả A Nan, Trưởng lão Cấp Cô Độc; ban thờ Trúc Lâm Tam Tổ và chư Tổ truyền đăng.
Chùa có nhiều bia đá, hoành phi, câu đối, đồ thờ có giá trị. Đặc biệt, chùa lưu giữ các bộ ván kinh (mộc bản) cổ như: Yên Tử nhật trình, Hoa Nghiêm sớ, Di Đà sớ sao, Đại Thừa chỉ quán … Có 34 đầu sách với 3.050 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt hai trang sách khắc ngược (âm bản) chữ Nôm và chữ Hán. Có một số mộc thư chỉ cách chữa bệnh bằng thuốc Nam, cách châm cứu… Đây là kho sách cổ vô cùng quý giá của dân tộc, đã được Tổ chức UNESCO công nhận là “Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương” ngày 16/5/2012. Năm 2017, chùa đã khánh thành nhà lưu giữ và trưng bày Mộc bản ở bên phải ngôi chánh điện. Mộc thư khố chùa Vĩnh Nghiêm có lượng thông tin phong phú về lịch sử Phật giáo, thiền phái Trúc Lâm, văn học, y học, phong tục tập quán … Hiện nay, phòng thuốc Nam của chùa đã kế thừa các bài thuốc kê trong mộc thư để chữa các bệnh về thần kinh, xương khớp, tiêu hóa…
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục ngày 12/12/2007: “Ngôi chùa lưu giữ bản kinh Phật giáo bằng gỗ nhiều nhất”.
Lễ hội chùa được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 02 (âm lịch) hằng năm. Năm 2013, lễ hội chùa đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1964. Đến năm 2015, chùa đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt về di tích kiến trúc nghệ thuật.
Võ Văn Tường
Ảnh 01, 02. Toàn cảnh chùa
Ảnh 03. Cây đại cổ thụ năm 1306 (Bính Ngọ)
Ảnh 04. Ngôi chánh điện
Ảnh 05. Nhà Tổ đệ nhất
Ảnh 06. Gác chuông
Ảnh 07-10. Điện Phật
Ảnh 11-13. Tượng Tam Thế Phật
Ảnh 14. Tượng đức Phật A Di Đà
Ảnh 15-17. Ban thờ Bồ tát Quán Thế Âm
Ảnh 18-35. 18 tượng A La Hán
Ảnh 36. Ban thờ Kim Cương
Ảnh 37, 38. Ban thờ Minh Vương
Ảnh 39, 40. Ban thờ Hộ Pháp
Ảnh 41. Ban thờ Tôn giả A Nan
Ảnh 42. Ban thờ Trưởng lão Cấp Cô Độc
Ảnh 43-45. Ban thờ Trúc Lâm Tam Tổ
Ảnh 46. Ban thờ Tổ
Ảnh 47-51. Mộc bản kinh Phật
Ảnh 52. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm
Ảnh 53. Đại hồng chung
Ảnh 54-56. Bia chùa
Ảnh 57. Cảnh quan chùa
Ảnh 58. Vườn tháp Tổ
Ảnh 59-68. Lễ hội giỗ Tổ năm 2011
Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 42.
Tin cùng chuyên mục
- CHÙA THÀNH, LẠNG SƠN.
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM AN TÂM, VĨNH PHÚC.
- CHÙA TÙNG VÂN, VĨNH PHÚC.
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM TÂY THIÊN, VĨNH PHÚC.
- CHÙA VẼ, HẢI PHÒNG.
- CHÙA DƯ HÀNG, HẢI PHÒNG.
- CHÙA CÔN SƠN, HẢI DƯƠNG.
- CHÙA THÁI LẠC, HƯNG YÊN.
- CHÙA CHUÔNG, HƯNG YÊN.
- CHÙA THẦY, HÀ NỘI.
- CHÙA HƯƠNG, HÀ NỘI.
- CHÙA ĐẬU, HÀ NỘI.
- CHÙA TÂY PHƯƠNG, HÀ NỘI.
- CHÙA MÍA. HÀ NỘI.
- CHÙA TỨ KỲ, HÀ NỘI.