CHÙA HƯƠNG, HÀ NỘI.
Hương Sơn là một khu vực rộng lớn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, ven bờ phải sông Đáy.
Nhiều chùa ở Hương Sơn được xây dựng với quy mô lớn vào thời Hậu Lê, nổi tiếng nhất là chùa Thiên Trù tọa lạc trên thềm núi Lão. Đến đầu thế kỷ 20, đã có khoảng 100 ngôi chùa và động ở khu vực này. Một số tài liệu cho biết chùa Thiên Trù được xây dựng từ năm 1467, đời vua Lê Thánh Tông.
Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang cho xây dựng lại chùa năm 1686. Chùa đã bị hư hỏng vào các năm 1947-1950. Đến năm 1988, Thượng tọa Thích Viên Thành cùng Ban xây dựng chùa Hương đã thực hiện công việc quy hoạch toàn vùng, xây dựng chùa Thiên Trù trên nền móng chùa cũ. Thượng tọa viên tịch năm 2002, nhập bảo tháp Chân Tịnh, ngôi tháp đá xanh mỹ thuât, có 3 tầng mái, cao 8,5m, được chế tác từ 53 phiến đá ở núi Nhồi, Thanh Hóa. Kế tục trụ trì là Thượng tọa Thích Minh Hiền đã cho xây dựng, tôn tạo ngôi phạm vũ Thiên Trù ngày nay thật uy nghiêm, tráng lệ.
Ở sân chùa Thiên Trù (chùa Ngoài) có tháp chuông 3 tầng mái, kiến trúc đẹp, có 2 đầu hồi tam giác ở tầng 3. Tháp chuông này nguyên ở chùa làng Cao Mật (Hà Đông), được chuyển về chùa Hương năm 1980.
Điện Phật chùa Thiên Trù được bài trí trang nghiêm, thờ tượng Tam Thế Phật, Bồ tát Quán Thế Âm Nam Hải bằng đá (tạc theo mẫu tượng ở động Hương Tích, nhưng được phóng to 2,5 lần, cao 2,8m), phù điêu Thập Điện, ban thờ Kim Cương …
Chùa có tháp Thiên Thủy là một mỏm đá mọc ngược thành một cây tháp thiên tạo, đại hồng chung đúc năm 1793.
Gần chùa Thiên Trù có chùa Tiên trong hang đá. Trong chùa có 5 pho tượng bằng đá được tạc vào năm 1907 dựa vào truyền thuyết Bà Chúa Ba Diệu Thiện đến Hương Sơn tu hành đắc đạo thành Bồ tát Quán Thế Âm. 5 pho tượng đó là: Bà Chúa Ba Diệu Thiện, chị cả Diệu Thanh cưỡi sư tử xanh, chị hai Diệu Âm cưỡi voi trắng, vua cha và hoàng hậu.
Động Hương Tích (chùa Trong) là một động đá thiên nhiên to lớn. Qua cổng có lối đi xuống hang với 120 bậc lát đá. Trong hang có nhiều thạch nhũ được đặt tên: đụn gạo, cây vàng, cây bạc, đầu cậu, đầu cô … Trong động có bàn thờ Phật trang nghiêm, trong đó, pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm Nam Hải, là pho tượng mỹ thuật cổ, đặc sắc và linh thiêng. Trên vách động có bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm: “Nam Thiên Đệ Nhất Động” khắc năm 1770.
Hằng năm, hội chùa Hương kéo dài từ ngày mùng 6 tháng giêng đến giữa tháng ba (âm lịch) thu hút hàng vạn Phật tử, du khách đến tham quan, chiêm bái. Cáp treo chùa Hương dài 1.200m do Cộng hòa Áo sản xuất, công suất đạt 1.500 khách/giờ. Có 45 cabin, 6 khách/cabin, đã hoạt động từ đầu năm 2006, đưa khách từ ga Thiên Trù đến ga Hương Tích và ngược lại. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục ngày 08/02/2009:“Lễ hội Phật giáo hằng năm có thời gian dài nhất.”
Quần thể Hương Sơn (chùa Hương) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt về di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh” vào năm 2017.
Ca dao về Hương Sơn:
Một vùng non nước bao la,
Rằng đây Lạc quốc hay là Đào nguyên.
Hương Sơn là chốn non tiên,
Bồng lai mà thấy ở miền trần gian.
Và bài thơ “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp:
Hôm nay đi chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương,
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo dải yếm đào,
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.
…
Võ Văn Tường
Ảnh 01. Suối Yến
Ảnh 02. Đền Trình
Ảnh 03-06. Khách hành hương trên suối Yến
Ảnh 07. Toàn cảnh chùa Thiên Trù
Ảnh 08. Cổng chùa
Ảnh 09, 10. Tháp chuông
Ảnh 11. Tháp Thiên Thủy
Ảnh 12-14. Ngôi chánh điện chùa Thiên Trù
Ảnh 15. Điện Phật chùa Thiên Trù
Ảnh 16, 17. Phù điêu Thập Điện chùa Thiên Trù
Ảnh 18, 19. Tượng Kim Cương
Ảnh 20. Ban thờ Phật và chư Tổ
Ảnh 21. Ban thờ Bồ tát Quán Thế Âm
Ảnh 22. Du khách trẩy hội
Ảnh 23. Cáp treo
Ảnh 24, 25. Động Hương Tích
Ảnh 26. “Nam Thiên đệ nhất động”
Ảnh 27, 28. Điện Phật trong động Hương Tích
Ảnh 29. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm Nam Hải trong động Hương Tích
Ảnh 30. Thạch nhũ tên Núi Cậu
Ảnh 31. Thạch nhũ tên Cây Vàng
Ảnh 32. Thạch nhũ tên Cây Bạc
Ảnh 33. Núi rừng Hương Sơn
Ảnh 34. Đường lên chùa Tiên
Ảnh 35. Điện Phật chùa Tiên
Ảnh 36. Chùa Giải Oan
Ảnh 37, 38. Chùa Thanh Sơn
Ảnh 39. Điện Phật chùa Thanh Sơn
Ảnh 40. Động chùa Thanh Sơn
Ảnh 41. Hàng lưu niệm
Ảnh 42. Du khách ra về trên suối Yến
Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 31.
Tin cùng chuyên mục
- CHÙA ĐẬU, HÀ NỘI.
- CHÙA TÂY PHƯƠNG, HÀ NỘI.
- CHÙA MÍA. HÀ NỘI.
- CHÙA TỨ KỲ, HÀ NỘI.
- CHÙA VỆ HỒ, HÀ NỘI.
- CHÙA THÁNH CHÚA, HÀ NỘI.
- CHÙA TRĂM GIAN, HÀ NỘI.
- CHÙA BỐI KHÊ, HÀ NỘI.
- CHÙA SẢI. HÀ NỘI.
- CHÙA QUÁN SỨ, HÀ NỘI.
- CHÙA ĐẠI TỪ ÂN, HÀ NỘI.
- CHÙA NGỌC TRỤC, HÀ NỘI.
- CHÙA QUANG LÃNG, HÀ NỘI.
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM SÙNG PHÚC, HÀ NỘI.
- CHÙA TRẤN QUỐC, HÀ NỘI.