CHÙA TÂY PHƯƠNG, HÀ NỘI.

Chùa tên Sùng Phúc Tự, thường gọi là chùa Tây Phương, tọa lạc trên núi Câu Lâu, thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 40 km về phía Tây.
CHÙA TÂY PHƯƠNG, HÀ NỘI.

Từ tam quan hạ ở chân núi, đi lên 237 bậc đá ong thì đến tam quan thượng. Chùa có ba nếp nhà song song là tiền đường, trung đường và thượng điện. Cả 3 nếp nhà đều có kết cấu kiến trúc khung gỗ kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Tiền đường và thượng điện 5 gian, 2 chái với 6 bộ vì nóc; còn trung đường chỉ có 3 gian, 2 chái. Mái lợp gồm 2 lớp ngói: ngói lớp trên in nổi hình lá đề, ngói lớp dưới lót hình vuông, sơn năm màu. Tường xây bằng gạch Bát Tràng nung đỏ để trần, có những cửa sổ hình tròn mang ý nghĩa sắc - không. Các cột gỗ đều kê trên tảng đá xanh khắc hình cánh sen.

Chùa được xây dựng vào thời Mạc Phúc Nguyên (1547-1561). Chùa đã được trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ 17, 18. Năm 1632, chùa xây dựng trung đường 3 gian và thượng điện 5 gian. Khoảng những năm 1657-1682, Tây Đô Vương Trịnh Tạc cho xây lại chùa mới. Đến năm 1794, dưới thời Tây Sơn, chùa được đại tu hoàn toàn. Năm 1893, nhà sư trụ trì Thích Thanh Ngọc đã tổ chức trùng tu chùa, tạc tượng Quan Âm trăm tay, Thiện Tài, Long Nữ, Bát Bộ Kim Cương, Thập bát A La Hán... Chùa được đại trùng tu vào năm 1991.

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chùa có nhiều pho tượng là những tác phẩm điêu khắc xuất sắc của dân tộc ở các thế kỷ 17, 18 và 19 như: Tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm Chuẩn Đề, tượng Bát Bộ Kim Cương, tượng A La Hán v.v... Năm 1960, nhà thơ Huy Cận đến thăm chùa đã viết những câu thơ sống động và gợi cảm qua bài “Các vị La Hán chùa Tây Phương”.

Tây Phương là ngôi chùa nổi tiếng về kiến trúc và điêu khắc bậc nhất ở Việt Nam. “Tượng Phật giáo thời Tây Sơn” ở chùa đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 3 ngày 14/01/2015. Chùa Tây Phương đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật” năm 2014. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có bộ tượng La Hán có phong cách điển hình nhất của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ 18” ngày 12/12/2007.

Võ Văn Tường

 

Ảnh 01. Toàn cảnh chùa

Ảnh 02. Mặt tiền chùa

Ảnh 03. Mặt bên chùa

Ảnh 04. Điện Phật

Ảnh 05. Tượng Tuyết Sơn

Ảnh 06-08. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm

Ảnh 09-16. Tượng A La Hán

Ảnh 17-24. Tượng Bát Bộ Kim Cương

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 29.

Tin cùng chuyên mục