CHÙA ĐẠI TỪ ÂN, HÀ NỘI.

Chùa Đại Từ Ân tọa lạc trong Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng - The Phoenix Garden (44,96 hecta), thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.
CHÙA ĐẠI TỪ ÂN, HÀ NỘI.

Chùa được khởi công xây dựng vào ngày 09/5/2010 trên diện tích 2 hecta.

Tên chùa Đại Từ Ân được Trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ GHPGVN Thích Phổ Tuệ đặt. Trước chùa, pho đại tượng đức Phật A Di Đà (cao 25m) tôn trí ở giữa một công viên rộng lớn, thoáng đãng.

Hai bên các bậc cấp dẫn lên cổng tam quan, chùa đặt tượng 5 cặp linh thú quỳ chầu: voi, trâu, tê giác, ngựa và sư tử (theo mẫu tượng 5 cặp linh thú quỳ chầu bằng đá sa thạch thời Lý đặt tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh; bộ tượng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia năm 2017).

Sau tam quan là tòa phạm vũ hai tầng uy nghiêm, khang trang, mỹ lệ. Ở giữa các bậc thang lên tòa Tam Bảo là bản Bát Nhã tâm kinh khắc bằng chữ Hán.

Phật điện được bài trí trang nghiêm, tôn trí các tượng: Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Thích Ca Tam Tôn, Tuyết Sơn, tòa Cửu Long, Bồ tát Di Lặc, Tôn giả Ca Diếp, Tôn giả A Nan; các ban thờ: tượng đức Phật nhập Niết Bàn, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp, Minh Vương, Tôn giả A Nan và Trưởng giả Cấp Cô Độc.

Chùa còn có nhiều công trình khác như: nhà Tổ, nhà Tăng, giảng đường, trai đường, bảo tháp … Đặc biệt, nội thất tòa Tam Bảo và nhà Tổ sử dụng toàn bộ bằng gỗ lim của Lào. 

Đây là nơi đặt Trường Trung cấp Phật học thành phố Hà Nội với thường xuyên  300 Tăng Ni sinh sinh hoạt, học tập, nên còn có các phòng: Ban Giám hiệu, văn phòng, phòng học, giảng đường, thư viện, khu nội trú …

Trong 10 năm qua, chùa đã tổ chức các khóa tu Tịnh Độ hàng tháng; tổ chức các ngày lễ lớn của Phật giáo như: lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ khánh đản đức Phật A Di Đà, lễ Phật Thành Đạo … và khóa An cư kiết hạ hàng năm.

Bài “Đại Từ Ân - ngôi chùa mới trong khu đô thị mới” (website: phatgiao.org.vn) cho biết ông Nguyễn Vũ Băng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư DIA đã tài trợ kinh phí xây chùa khoảng 120 tỷ đồng với ý tưởng khi xây khu đô thị mới thì kèm theo xây dựng khu tâm linh phục vụ cộng đồng. Thượng tọa Viện chủ Thích Tiến Đạt cho biết ngôi chùa không những đáp ứng nhu cầu tâm linh của cư dân trong khu đô thị mà còn cho cả cư dân quanh vùng và khách thập phương. Hiền Yến, tác giả bài báo trên cho biết có khoảng 10.000 người đến tham dự mỗi buổi lễ do chùa tổ chức.

Đây là mô hình mới thiết nghĩ cần nhân rộng để Phật giáo các tỉnh (thành phố)  có thuận lợi trong việc đào tạo tăng tài và hướng dẫn Phật tử tu tập theo chánh pháp. Ngôi chùa còn là một di sản văn hóa mang dấu ấn kiến trúc thời đại; là điểm tham quan, chiêm bái của Phật tử và khách du lịch khắp nơi trên thế giới.

Xin gửi đến Công ty DIA lời chúc tốt lành: Sadhu! Sadhu! Sadhu!

 

Võ Văn Tường

 

Ảnh 01, 02. Toàn cảnh chùa

Ảnh 03. Tượng đức Phật A Di Đà (cao 25m)

Ảnh 04. Chùa Đại Từ Ân

Ảnh 05. Cổng tam quan

Ảnh 06. Linh thú quỳ chầu trước chùa

Ảnh 07. Cổng tam quan (mặt sau)

Ảnh 08. Ngôi chánh điện

Ảnh 09. Bản Bát Nhã tâm kinh

Ảnh 10. Ngôi chánh điện (mặt bên)

Ảnh 11. Ban thờ Di Đà Tam Tôn

Ảnh 12. Điện Phật

Ảnh 13. Tượng Tuyết Sơn

Ảnh 14. Tượng đức Phật nhập Niết Bàn

Ảnh 15. Ban thờ Bồ tát Văn Thù

Ảnh 16. Ban thờ Bồ tát Phổ Hiền

Ảnh 17. Ban thờ Bồ tát Quán Thế Âm

Ảnh 18. Ban thờ Bồ tát Địa Tạng

Ảnh 19, 20, 21. Ban thờ Minh Vương

Ảnh 22, 23. Ban thờ Hộ Pháp

Ảnh 24. Ban thờ Tôn giả A Nan

Ảnh 25. Ban thờ Trưởng giả Cấp Cô Độc

Ảnh 26, 27. Trường trung cấp Phật học Hà Nội

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 21.

Tin cùng chuyên mục