CHÙA DƯ HÀNG, HẢI PHÒNG.

Chùa tên Phúc Lâm Tự, thường gọi là chùa Dư Hàng, tọa lạc ở số 121 phố Dư Hàng, phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
CHÙA DƯ HÀNG, HẢI PHÒNG.

Căn cứ vào bản ghi chép trên văn bia của chùa thì chùa có từ thời Tiền Lê (980-1009). Năm 1672, quan Đô úy Nguyễn Đình Sách (tự là Chân Huyền) cho xây dựng ngôi chùa khang trang để tu hành. Năm 1899, Hòa thượng Thích Thông Hạnh đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa. Năm 1917, chùa được trùng tu với quy mô như ngày nay. Từ năm 1995 đến nay, Hòa thượng Thích Quảng Tùng đã liên tục tu sửa chùa, xây vườn tượng lộ thiên, xây dựng tòa phạm vũ khang trang, mỹ lệ.

Ngôi chánh điện có kiến trúc hình chữ “Đinh”, hai bên là nhà Tổ, phía trước là cổng chùa và gác chuông. Gác chuông có 5 gian, 3 tầng, bên trong treo quả đại hồng chung “Phúc Lâm tự chung”. Từ ngoài nhìn vào, bên trái ngôi chánh điện là nhà Tổ, nhà trai và nhà tăng; bên phải là nhà thờ hậu, thư viện, phòng truyền thống. Sân trước ngôi chánh điện tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên và đặt một đỉnh lớn bằng đồng.

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ tượng: Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Thích Ca Tam Tôn, tòa Cửu Long ở hương án giữa; các ban thờ: Hộ Pháp, Thập Điện Minh Vương, Tôn giả A Nan và Trưởng giả Cấp Cô Độc. Chùa có nhiều pho tượng cổ có giá trị mỹ thuật như bộ tượng Tam Thế Phật, tòa Cửu Long, Thập Điện Minh Vương; và nhiều hoành phi, câu đối, bao lam có đường nét mềm mại, kỹ thuật tinh xảo, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn; nổi bật là bức chạm lộng ở chánh điện do các nghệ nhân Hà Nam Ninh tạc vào năm 1917.

Trong vườn tháp, có 9 ngôi tháp mộ, trong đó, có 3 ngôi bảo tháp của Trúc Lâm Tam Tổ thời Trần (Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang), ba ngôi tháp Phổ Đồng và ba ngôi tháp của các vị trụ trì tiền nhiệm. Đặc biệt, chùa mới xây dựng tháp Đa Bảo cao 21m và vườn tượng.

Vườn tượng nằm bên phải gác chuông, giữa vườn là một hồ nước rộng. Ở đây, chùa tôn trí lộ thiên tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng màu vàng ngồi thiền định trên tòa sen dưới gốc cây bồ đề cao lớn, tượng Bồ tát Di Lặc bằng đồng trong tư thế đứng và tượng 10 vị đại đệ tử của đức Phật tạc bằng đá trắng.

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ bản kinh Trường A Hàm là một tài liệu cổ. Bản kinh này gồm 290 bản khắc hai mặt trên gỗ. Mỗi bản khắc gỗ có kích thước chiều dài 37cm, chiều rộng 23,5cm, dày 2,5cm. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vào ngày 12/12/2007:“Ngôi chùa lưu giữ bản kinh Trường A Hàm nhiều nhất”.

Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm  1986.

Võ Văn Tường

 

Ảnh 01, 02. Gác chuông chùa

Ảnh 03. Ngôi chánh điện

Ảnh 04, 05. Điện Phật

Ảnh 06. Tòa Cửu Long

Ảnh 07, 08. Ban thờ Hộ Pháp

Ảnh 09, 10. Ban thờ Thập Điện Minh Vương

Ảnh 11. Ban thờ Tôn giả A Nan

Ảnh 12. Ban thờ Trưởng lão Cấp Cô Độc

Ảnh 13. Ban triều Trần

Ảnh 14. Ban thờ Mẫu

Ảnh 15. Chạm khắc nổi trên bao lam (cửa võng)

Ảnh 16. Đại hồng chung

Ảnh 17-19. Vườn tượng lộ thiên

Ảnh 20-23. Bản kinh Trường A Hàm

Ảnh 24. Tháp Đa Bảo

Ảnh 25. Vườn tháp mộ

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 36

Tin cùng chuyên mục