CHÙA TIÊU SƠN, BẮC NINH.

Chùa tên Thiên Tâm Tự, thường gọi là chùa Tiêu, xưa có tên là chùa Lục Tổ, tọa lạc ở sườn núi Tiêu, thuộc xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 20 km về phía Bắc dọc theo quốc lộ 1A.
CHÙA TIÊU SƠN, BẮC NINH.

Chùa được dựng từ thời Lý. Chùa là nơi tu thiền và giảng pháp của nhiều cao tăng thời Lý, như Thiền sư Vạn Hạnh. Sách Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993) giới thiệu chùa này xưa là nơi trụ trì của Thiền sư Vạn Hạnh đồng thời cũng là nơi sinh của vua Lý Thái Tổ. Thiền sư đã có công nuôi dưỡng, giáo dục Lý Công Uẩn từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành, sau trở thành vị vua khai lập vương triều Lý. Sử xưa cho biết ở Viện Cảm Tuyền chùa Thiên Tâm có con chó đẻ con sắc trắng đốm đen thành hình hai chữ “Thiên tử” điều đó ứng với việc vua Lý Thái Tổ sinh năm Giáp Tuất rồi lên làm vua.

Chùa được trùng tu nhiều lần. Chùa gồm có: cổng chùa, ngôi chánh điện, nhà Tổ, nhà bia, đài Quán Thế Âm, khu vườn tháp và các công trình khác. Cổng chùa hiện nay được xây năm 1986; đài Bồ tát Quán Thế Âm được dựng năm 2001 giữa hồ nước lớn trước chùa; nhà Tổ được dựng năm 2002 và ngôi chánh điện được dựng năm 2003.

Ở chùa có tấm bia đá (cao 0,68m, ngang 0,40m) khắc bốn chữ: “Lý Gia Linh Thạch”, niên đại Cảnh Thịnh nguyên niên (1793) ghi chép sự tích về Lý Công Uẩn.

Điện Phật được bài trí trang nghiêm, thờ tượng Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn …; các ban thờ Bồ tát Quán Thế Âm, động Quán Thế Âm, ban thờ Hộ Pháp, ban thờ Tôn giả A Nan và ban thờ Trưởng lão Cấp Cô Độc.

Trên núi Tiêu có tượng Quốc sư Vạn Hạnh ngồi tọa thiền, cao 8m, mặt hướng về kinh thành Thăng Long, dựng năm 1992.

Chùa xưa từng lưu giữ ván in sách Thiền uyển tập anh, một tác phẩm ghi chép về các danh tăng Việt Nam có giá trị về văn học, sử học, triết học.

Đặc biệt, chùa còn giữ tháp mộ và nhục thân Thiền sư Như Trí, viên tịch năm Quý Mão (1723), là vị trụ trì chùa, người có công khắc in cuốn Thiền Uyển tập anh. Ngày 13/3/2004, nhục thân Ngài đã được PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho thỉnh chuyển về chùa Duệ Khánh, xã Nội Duệ (Bắc Ninh) cách chùa 3 km để thực hiện dự án tu bổ - bảo quản. Công việc hoàn thành vào ngày 26/9/2004. Khi tu bổ, các quy trình bọc vải, bó, hom, lót, thí, được thể hiện đầy đủ và thận trọng với 13 lớp sơn và thếp bạc. Pho tượng gốc nặng 34kg, chiều cao ngồi 78,5cm được đặt ở nhà Tổ trong một khám sơn son thếp vàng có hộp kính kín dày 10mm, chứa đầy khí nitơ để bảo vệ.

Tâm bia Tháp Viên Tuệ do Thiền phái Trúc Lâm dựng năm 2004 tại bảo tháp của Thiền sư Như Trí cho biết có thể Ngài là đệ tử nối pháp của Thiền sư Chân Nguyên, trụ trì chùa Long Động ở Yên Tử theo dòng kệ truyền pháp:

                                    Minh Chân Như Tính Hải

                                    Kim Tường Phổ Chiếu Thông

                                    Chí Đạo Thành Chính Quả

                                    Giác Ngộ Chứng Chân Không.

Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Võ Văn Tường

 

Ảnh 01. Cổng chùa

Ảnh 02. Đài Quan Âm

Ảnh 03. Mặt tiền chùa

Ảnh 04, 05. Điện Phật

Ảnh 06, 07. Ban thờ Bồ tát Quán Thế Âm

Ảnh 08. Động Quan Âm

Ảnh 09, 10. Ban thờ Hộ Pháp

Ảnh 11. Ban thờ Tôn giả A Nan

Ảnh 12. Ban thờ Trưởng lão Cấp Cô Độc

Ảnh 13. Tượng Quốc sư Vạn Hạnh

Ảnh 14. Bia “Tiêu Sơn hoài cổ thi”

Ảnh 15. Bia “Lý Gia Linh Thạch”

Ảnh 16. Nhà thờ Tổ

Ảnh 17-19. Tượng nhục thân Thiền sư Như Trí

Ảnh 20. Tháp Viên Tuệ

Ảnh 21. Bia tháp Viên Tuệ

Ảnh 22. Đại hồng chung

Ảnh 23, 24. Vườn tháp Tổ

Ảnh 25-27. Bia chùa

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 44.

Tin cùng chuyên mục