CHÙA CỔ LỄ, NAM ĐỊNH.
Chùa tên Thần Quang Tự, thường gọi là chùa Cổ Lễ, tọa lạc ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Tương truyền, chùa do Thiền sư Minh Không thời Lý sáng lập. Ông là người chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông (1128-1138), được phong làm Quốc sư.
Ngôi chùa ngày nay do Hòa thượng Quang Tuyên tạo dựng vào năm 1920 và được trùng tu nhiều lần. Trước chùa có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng, cao 32m, có 8 mặt, dựng năm 1927, trùng tu năm 2001. Đế tháp đặt trên lưng một con rùa lớn đầu quay vào chùa. Con rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh.
Trước bảo tháp là cầu Cuốn cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích dẫn đến Phật giáo hội quán (đài Quan Âm) được xây dựng vào năm 1936, trùng tu năm 2001. Sân trước hội quán có hai lư đồng lớn. Trong đài Quan Âm, thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt ở giữa, hai bên có các ban thờ tứ Bồ tát, Bát bộ Kim Cương, Tôn giả An Nan và Trưởng lão Cấp Cô Độc.
Bên trái đài Quan Âm là Linh Quang từ, đền thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và hai vị quan Trạng người làng: Đào Sư Mỗ, Đào Toàn Mỗ. Đền được xây dựng năm 1937.
Bên phải đài Quan Âm là Khánh Quang phủ, thờ Tam Tòa Quốc Mẫu, được xây dựng năm 1937.
Sau lưng đài Quan Âm có hồ lớn. Giữa hồ có đại hồng chung nặng 9.000kg, cao 4,20m, đường kính miệng 2,2m, thành chuông dày 8cm, miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước. Chuông được Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936. Đại hồng chung đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục vào ngày 04/5/2006: “Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam”.
Có hai chiếc cầu Núi bắc qua hồ dẫn đến ngôi chánh điện chùa Thần Quang. Ở đây có tấm bia ghi: “Thần Quang Tự (chính điện chùa Cổ Lễ) xây dựng thế kỷ 12 thời Lý; đại trùng tu năm 1914, trùng tu năm 1995”. Kiến trúc ngôi chánh điện độc đáo, đó là sự hòa nhập các yếu tố kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố gô-tích của Châu Âu. Tòa thượng điện được bài trí đặc biệt, tượng đức Phật sơn son thếp vàng bằng gỗ bạch đàn cao khoảng 4m được đặt ở tầng cao, gần mái vòm gô-tích. Hai bên có ban thờ Hộ Pháp. Mặt sau điện, thờ tượng Quốc sư Minh Không.
Sau nhà thờ tổ là tháp chuông được xây dựng theo bản vẽ thiết kế kỹ thuật của Viện Khoa học Kiến trúc thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Tháp gồm ba tầng, cao 14,5m, rộng 9m, mái cong lợp ngói mũi hài, hoàn thành vào ngày 23/10/1997, do hai ông Trần Quang Khải và Nguyễn Đức Cử phụng cúng. Tầng trên cùng treo quả chuông đời Lê nặng khoảng 300 kg, tầng dưới treo đại hồng chung nặng 9.000 kg, đúc năm 2003.
Hội chùa hằng năm từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 9 (âm lịch) với các lễ rước Phật, đánh cờ người, đấu vật, thi bơi chải …
Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Võ Văn Tường
Ảnh 01, 02. Toàn cảnh chùa
Ảnh 03. Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa
Ảnh 04. Đầu con rùa
Ảnh 05. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm
Ảnh 06. Cầu Cuốn dẫn vào chùa
Ảnh 07. Đài Quan Âm, Linh Quang từ và Khánh Quang phủ
Ảnh 08. Hai lư đồng lớn ở sân trước đài Quan Âm
Ảnh 09. Đài Quan Âm
Ảnh 10. Ban thờ Bồ tát Quán Thế Âm
Ảnh 11, 12. Ban thờ Tứ Bồ tát
Ảnh 13, 14. Ban thờ Bát bộ Kim Cương
Ảnh 15. Ban thờ Tôn giả A Nan
Ảnh 16. Ban thờ Trưởng lão Cấp Cô Độc
Ảnh 17-19. Điện Phật
Ảnh 20, 21. Ban thờ Hộ Pháp
Ảnh 22. Ban thờ Thánh Mẫu
Ảnh 23. Đại hồng chung (1936)
Ảnh 24-17. Các tấm biển giới thiệu các công trình xây dựng
Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 54.
Tin cùng chuyên mục
- CHÙA PHÚC LỘC, NAM ĐỊNH.
- CHÙA KEO, THÁI BÌNH.
- DANH SƠN YÊN TỬ, QUẢNG NINH.
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM YÊN TỬ, QUẢNG NINH.
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM GIÁC TÂM, QUẢNG NINH.
- CHÙA BA VÀNG, QUẢNG NINH.
- CHÙA THÁNH QUANG, BẮC NINH.
- CHÙA PHẬT TÍCH, BẮC NINH.
- CHÙA DÂU, BẮC NINH.
- CHÙA TIÊU SƠN, BẮC NINH.
- CHÙA BÚT THÁP, BẮC NINH.
- CHÙA VĨNH NGHIÊM, BẮC GIANG.
- CHÙA THÀNH, LẠNG SƠN.
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM AN TÂM, VĨNH PHÚC.
- CHÙA TÙNG VÂN, VĨNH PHÚC.