CHÙA KEO, THÁI BÌNH.
Chùa tên Thần Quang Tự, thường gọi là chùa Keo, tọa lạc ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa vốn có tên là Nghiêm Quang Tự, được xây từ năm 1061 ở hương Giao Thủy, hữu ngạn sông Hồng. Đến năm 1167, chùa đổi tên Thần Quang Tự. Tên chùa Keo thường được gọi vì chùa được dựng ở ấp Keo.
Năm 1611, do nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt cả làng, người dân làng Keo đã dời đi hai nơi, dựng lại hai chùa Keo mới, đó là chùa Keo Hành Thiện hay chùa Keo Dưới ở mạn Đông Nam hữu ngạn sông Hồng, và chùa Keo Trên ở tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Vũ Thư ngày nay.
Năm 1630, viên quan Hoàng Nhân Dũng cùng vợ là Lại Thị Ngọc Lễ vận động xây dựng chùa. Cường Dũng hầu Nguyễn Văn Trụ vẽ kiểu. Công trình được hoàn thành vào năm 1632.
Phật điện được bài trí tôn nghiêm. Chùa còn bảo lưu được nhiều tượng thờ thời Lê. Các pho tượng đặc sắc là: tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Bồ tát Quán Thế Âm, bộ tượng Thập bát A La Hán v.v...
Sau chùa có đền thờ Thiền sư Không Lộ, vị sư trụ trì ngôi chùa Nghiêm Quang đầu tiên vào thời Lý.
Chùa có quy mô kiến trúc rộng lớn, trên một khu đất rộng khoảng 58.000 m2. Chùa trước đây có 154 gian, nay còn 17 công trình 128 gian, xây dựng theo kiểu “Nội Công ngoại Quốc”. Chùa được trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ 17, 18 và năm 1941. Lần trùng tu năm 1941 có sự giúp đỡ của Trường Viễn Đông Bác Cổ.
Chùa có hai tam quan, tam quan ngoài và tam quan trong. Tam quan trong của chùa còn giữ được bộ cánh cửa gỗ thế kỷ 17, cao 2m, rộng 2,6m, chạm một ổ rồng với những rồng mẹ và rồng con chầu mặt nguyệt.
Công trình kiến trúc nổi tiếng độc đáo của chùa là gác chuông. Gác chuông cao 11,04m, có 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ gắn với nhau bằng mộng, nâng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong thanh thoát. Tầng 1 có treo một khánh đá (ngang 1,87m), tầng 2 có quả chuông đúc năm 1686, tầng 3 và tầng thượng có chuông đúc năm 1796. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vào ngày 12/12/2007: “Ngôi chùa có gác chuông bằng gỗ cao nhất”.
Người dân làng Keo mở hội Xuân tại chùa vào ngày mùng 4 tháng giêng (âm lịch) hàng năm. Tháng 10 năm 2017, lễ hội chùa Keo được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn gần như nguyên vẹn mỹ thuật kiến trúc cổ thời Lê.
Chùa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt về di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật” năm 2012.
Võ Văn Tường
Ảnh 01. Toàn cảnh chùa
Ảnh 02, 03. Tam quan ngoài
Ảnh 04. Mặt trước chùa
Ảnh 05, 06. Tam quan trong và bộ cửa chạm rồng
Ảnh 07. Toàn cảnh chùa
Ảnh 08, 09. Ngôi chánh điện
Ảnh 10. Một góc kiến trúc chùa
Ảnh 11. Gác chuông
Ảnh 12, 13. Điện Phật
Ảnh 14-16. Ban thờ A La Hán
Ảnh 17-20. Ban thờ Hộ Pháp
Ảnh 21, 22. Ban thờ Thập Điện Minh Vương
Ảnh 23. Ban thờ Tôn giả A Nan
Ảnh 24. Ban thờ Trưởng lão Cấp Cô Độc
Ảnh 25, 26. Bia cổ
Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 52.
Tin cùng chuyên mục
- DANH SƠN YÊN TỬ, QUẢNG NINH.
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM YÊN TỬ, QUẢNG NINH.
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM GIÁC TÂM, QUẢNG NINH.
- CHÙA BA VÀNG, QUẢNG NINH.
- CHÙA THÁNH QUANG, BẮC NINH.
- CHÙA PHẬT TÍCH, BẮC NINH.
- CHÙA DÂU, BẮC NINH.
- CHÙA TIÊU SƠN, BẮC NINH.
- CHÙA BÚT THÁP, BẮC NINH.
- CHÙA VĨNH NGHIÊM, BẮC GIANG.
- CHÙA THÀNH, LẠNG SƠN.
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM AN TÂM, VĨNH PHÚC.
- CHÙA TÙNG VÂN, VĨNH PHÚC.
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM TÂY THIÊN, VĨNH PHÚC.
- CHÙA VẼ, HẢI PHÒNG.