THIỀN VIỆN TRÚC LÂM YÊN TỬ, QUẢNG NINH.

Thiền viện Trúc Lâm tên Long Động Tự, thường gọi chùa Lân, nằm trên đường vào khu danh thắng Yên Tử, thuộc thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Thiền viện nằm trong Quần thể di tích danh thắng Yên Tử.
THIỀN VIỆN TRÚC LÂM YÊN TỬ, QUẢNG NINH.

Thiền viện được Hòa thượng Thích Thanh Từ cho khởi công xây dựng vào ngày 15/8/2002 trên diện tích gần 5 mẫu. Lễ khánh thành được thiền viện tổ chức trọng thể vào ngày 14/12/2002, nhằm ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Ngọ, nhân kỷ niệm ngày sinh của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Nơi đây, vào năm 1293, vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng viện Kỳ Lân khang trang làm nơi tu học, giảng pháp, độ tăng của Trúc Lâm Tam Tổ. Ngày nay, thiền viện được mở rộng thành ngôi phạm vũ to lớn, uy nghiêm, thanh tịnh.

Ngay ở cổng tam quan, có câu đối khắc bằng chữ quốc ngữ:

                        Thế Tôn lìa đông cung bỏ điện ngọc đến Bồ Đề thành chánh giác,

                        Giác Hoàng ở ngai vàng lìa ngôi báu lên Yên Tử dạy chúng tăng.

Các công trình chính của thiền viện gồm: cổng tam quan, ngôi chánh điện, Tổ đường, tháp chuông, tháp trống, La Hán đường, thiền đường, phòng lưu niệm, thư viện, trai đường, phòng khách, hồ Tĩnh Tâm …

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Hương án giữa tôn trí tượng đức Phật Thích Ca thuyết pháp; tượng bằng đồng, nặng gần 4 tấn. Án hai bên thờ tượng Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền.

Ở Phật điện, có câu đối khắc bằng chữ quốc ngữ:

                        Phật pháp chỉ rành nẻo vào luân hồi đường giải thoát,

                        Thiền tông lối thẳng không theo thứ bậc đến chân như.

La Hán đường tôn trí 18 tượng A La Hán chạm khắc gỗ tinh tế, điêu luyện với các tư thế, dáng điệu khác nhau cùng bản lai lịch của từng vị.

Tổ đường thờ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và Trúc Lâm Tam Tổ. Tượng Tổ sư Đạt Ma làm bằng gỗ giáng hương cao 3,2m, bệ đỡ cao 0,65m, nặng khoảng 3,2 tấn. Ở đây có câu đối khắc bằng chữ quốc ngữ :

                        Bất lập văn tự giáo ngoại biệt truyền,

                        Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật.

Tổ đường Thiền viện đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh giá trị kỷ lục vào ngày 12/9/2013: “Tổ đường Thiền viện Trúc Lâm (chùa Lân, tên chữ là Long Động Tự) được phục hưng đầu tiên trên vùng núi tại khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh”. 

Thiền viện còn 23 tháp mộ, trong đó lớn nhất là tháp Tịch Quang thờ Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726).

Thiền viện có bức phù điêu Sơ Tổ Trúc Lâm truyền pháp Nhị Tổ Pháp Loa với câu đối bằng chữ quốc ngữ:

                        Chánh pháp trao truyền muôn kiếp thịnh,

                        Chơn tâm hiển lộ mọi người thông.

Trước sân Thiền viện có đặt một Quả cầu Như ý Báo ân Phật đường kính 1,59 m, trọng lượng 6,5 tấn, đặt trên một bệ đá granit có tiết diện vuông, nặng 4 tấn, bọc bên ngoài là bể nước hình bát giác với tám bồn hình cánh hoa bao quanh tượng trưng cho Bát Chánh Đạo. Quả cầu do nhóm Phật tử Minh Hạnh Túc phát tâm cúng dường, được Công ty TNHH Hà Quang thi công trong 18 tháng. Lễ cúng dường được tổ chức vào ngày 06/7/2005. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục ngày 04/5/2006: “Quả cầu Như Ý lớn nhất”.

Sân trước thiền viện có đài Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên và hồ Tĩnh Tâm mới được xây dựng.

           

               TRÚC LÂM TAM TỔ

 

ĐỆ NHẤT TỔ TRẦN NHÂN TÔNG (1258 - 1308)

Vua Trần Nhân Tông tên là Trần Khâm, sinh ngày 11/11 năm Mậu Ngọ (1258), con đầu vua Trần Thánh Tông. Năm 1274 (16 tuổi) được phong Hoàng Thái tử. Năm 1279, Trần Khâm lên ngôi. Sự nghiệp của Trần Nhân Tông cực kỳ hiển hách, văn võ song toàn. Người đã lãnh đạo quân dân chiến thắng quân Nguyên - Mông hai lần liên tiếp: năm Ất Dậu (1285) và Mậu Tý (1288). Năm 1293, Nhân Tông truyền ngôi cho con và lên làm Thái Thượng hoàng. Năm 1299, Nhân Tông vào Yên Tử xuất gia, xưng hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà. Năm 1301, Nhân Tông qua thăm Chiêm Thành, hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Năm 1304, Nhân Tông gặp Đồng Kiên Cương ở Nam Sách. Cuối năm 1304, vua Anh Tông thỉnh Nhân Tông vào Đại nội và xin thọ giới Bồ tát tại gia. Năm 1308, Nhân Tông giảng Truyền đăng lục riêng cho Pháp Loa. Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông mất năm 1308.

 

ĐỆ NHỊ TỔ PHÁP LOA  (1284 - 1330)

            Thiền sư Pháp Loa tên là Đồng Kiên Cương, sinh năm Giáp Thân (1284), quê ở Nam Sách, Hải Dương, con ông Đồng Thuần Mậu và bà Vũ Từ Cứu. Năm 1304, Kiên Cương gặp Nhân Tông và xin xuất gia. Năm 1305, Kiên Cương được thọ giới Tỳ kheo và được cho pháp hiệu là Pháp Loa. Năm 1308, tại chùa Báo Ân ở Siêu Loại, Thiền sư được truyền pháp y, 200 bộ kinh điển. Năm 1313, ông định chức cho tăng ni toàn quốc tại chùa Vĩnh Nghiêm (Lạng Giang) và lập sổ bộ. Thiền sư mất năm 1330.

 

ĐỆ TAM TỔ HUYỀN QUANG  (1254 - 1334)

            Thiền sư tên là Lý Đạo Tái (có sách ghi Lý Tải Đạo), sinh năm Giáp Dần (1254), quê ở Bắc Giang. Năm 1275, ông thi đỗ Trạng nguyên và làm quan trong triều. Năm 1305, khi đã 51 tuổi, ông dâng sớ từ quan. Ông xuất gia tại chùa Vũ Ninh năm 1306. Khi Nhân Tông viên tịch, ông đi theo Pháp Loa học đạo và hành đạo tại chùa Vân Yên, Yên Tử. Năm 1330, Thiền sư được Pháp Loa truyền nhiệm vụ lãnh đạo Phật giáo, lúc 77 tuổi. Ông đã đề cử Quốc sư An Tâm trú trì chùa Vân Yên để về tu ở chùa Tư Phúc, Côn Sơn và mất ở đấy năm 1334.

Võ Văn Tường

 

Ảnh 01. Toàn cảnh thiền viện (2018)

Ảnh 02. Cổng tam quan ngoại

Ảnh 03. Toàn cảnh thiền viện (2002)

Ảnh 04. Đường lên thiền viện

Ảnh 05. Cổng tam quan nội

Ảnh 06. Quả cầu Như Ý

Ảnh 07. Ngôi chánh điện

Ảnh 08, 09. Sân trước thiền viện

Ảnh 10. Điện Phật

Ảnh 11. Bàn thờ đức Phật Thích Ca

Ảnh 12, 13. Tháp chuông

Ảnh 14, 15. Tháp trống

Ảnh 16. Đài Bồ tát Quán Thế Âm

Ảnh 17. La Hán đường

Ảnh 18-20. Tượng A La Hán

Ảnh 21. Tượng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma

Ảnh 22, 23. Bàn thờ Trúc Lâm Tam Tổ

Ảnh 24. Phù điêu truyền pháp

Ảnh 25. Tháp Tịch Quang thờ Thiền sư Chân Nguyên

Ảnh 26, 27. Thiền đường

Ảnh 28, 29. Phòng lưu niệm

Ảnh 30. Thư viện

Ảnh 31, 32. Hồ Tĩnh Tâm

Ảnh 33. Phòng khách

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 50.

Tin cùng chuyên mục