CHÙA BÁI ĐÍNH, NINH BÌNH.

Chùa Bái Đính tọa lạc trên núi Bái Đính, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách thành phố Hà Nội 95 km. Chùa nằm phía Bắc của quần thể Di sản thế giới Tràng An.
CHÙA BÁI ĐÍNH, NINH BÌNH.

Chùa Bái Đính cũ ở độ cao gần 200m, cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m về phía Nam. Tương truyền chùa được dựng vào thời Lý. Một số tài liệu ngày nay cho biết Thiền sư Minh Không vào núi Bái Đính tìm thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Thiền sư phát hiện động Tối, động Sáng là những hang động đẹp và dựng chùa ở đây. Ngôi chùa ngày nay có nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là động Sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn; rẽ sang bên trái là đền thờ Thánh Nguyễn Minh Không, rồi đến động tối thờ Mẫu và Tiên.

Dựa lưng vào núi Bái Đính, nhìn ra thung lũng rộng khoảng 3 hecta, khu chùa Bái Đính mới được Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đầu tư và thi công với quy mô hoành tráng trên diện tích 107 hecta với nhiều công trình kiến trúc, tượng thờ và pháp khí to lớn đạt kỷ lục Việt Nam và toàn cầu.

Ngôi điện thờ Tam Thế Phật là công trình kiến trúc lớn đã được khánh thành vào ngày 17/5/2008. Trong đại lễ khánh thành chùa giai đoạn 1, chùa vinh dự  đón tiếp nhiều đoàn đại biểu Phật giáo Quốc tế và đoàn đại biểu Phật giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước đến viếng chùa, lễ Phật và trồng cây bồ đề (được đem về từ Ấn Độ) lưu niệm. Ngôi đại điện có 2 tầng, 12 mái, diện tích 2.500m2, cao 35m; tôn trí bộ tượng Tam Thế Phật bằng đồng đúc nguyên khối, thếp vàng. Mỗi tượng có trọng lượng khoảng 50 tấn, cao 7,5m. Trong điện còn thờ 2.000 tượng đức Phật A Di Đà trong các bệ thờ nhỏ.

Ngôi điện Thích Ca hay điện Pháp Chủ là ngôi điện có 8 mái, diện tích 2.400m2, cao 33m; tôn thờ tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng đúc nguyên khối, thếp vàng, có trọng lượng 100 tấn, cao 9,5m (tượng đúc tại Công ty thủ công mỹ nghệ Đoàn Kết ở Ý Yên, Nam Định). Hai bên tượng đức Phật, có tượng tôn giả Ca Diếp, tôn giả A Nan, mỗi tượng nặng 30 tấn đồng, cao 9m; bộ tượng Bát bộ Kim Cương, mỗi tượng nặng 5 tấn đồng, cao 3,95m. Trong điện còn thờ 2.000 tượng đức Phật Thích Ca trong các bệ thờ nhỏ.

Điện thờ Bồ tát Quán Thế Âm có diện tích 1.500m2, được xây bằng gỗ, cao 14,8m. Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn được đúc bằng đồng thếp vàng nặng 90 tấn, cao 9,57m (tính cả bệ là 11,45m).

Chùa có tượng Bồ tát Di Lặc bằng đồng nặng 80 tấn, cao 10m an vị trên một quả đồi.

Tháp chuông bát giác 3 tầng 24 mái, cao 27m, có diện tích 1.000m2, treo quả đại hồng chung nặng 36 tấn, cao 5,5m, đường kính 3,5m do nghệ nhân Nguyễn Văn Sính ở phường Phường Đúc, thành phố Huế thực hiện.

Hành lang A La Hán với 234 gian từ cổng tam quan đến điện Pháp Chủ đặt thờ tượng 500 vị A La Hán bằng đá do các nghệ nhân làng đá Ninh Vân (Ninh Bình) thực hiện. Mỗi tượng nặng 5 tấn, cao khoảng 2,5m, tạo tác từ đá xanh nguyên khối.

Tam quan nội được dựng bằng gỗ tứ thất, cao 25m, có diện tích 1.000m2, tôn trí 2 vị Hộ Pháp bằng đồng, mỗi tượng nặng 30 tấn, cao 3,95m.

Chùa có tòa bảo tháp 13 tầng, cao 100m, tôn thờ Xá Lợi đức Phật.

Dưới chân núi, giếng Ngọc có nước màu xanh ngọc, được tôn tạo và mở rộng năm 2006 với chu vi 97,3m, đường kính 30m, sâu 10m. Tương truyền ngày xưa, Thiền sư Minh Không thường lấy nước ở đây để sắc thuốc trị bệnh cho dân.

Chùa có 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề ở Ấn Độ.

Chùa đã hai lần tổ chức đại lễ cung nghênh Xá Lợi Phật, vào ngày 06/6/2009 và ngày 03/3/2010. Từ ngày 07-11/5/2014, đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014 và hội thảo Phật giáo quốc tế đã được tổ chức trọng thể tại chùa với khoảng 10.000 người tham dự.

Chùa sở hữu 08 kỷ lục Việt Nam như sau:

 Pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng cao nhất và nặng nhất (04/5/2006)

 Ngôi chùa có giếng lớn nhất (12/12/2007)

 Đại hồng chung lớn nhất (vượt kỷ lục) (12/12/2007)

 Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế Phật bằng đồng lớn nhất (12/12/2007)

 Ngôi chùa trồng cây bồ đề nhiều nhất (15/5/2008)

 Tượng Bồ tát Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng liền khối (15/5/2008)

 Ngôi chùa có hành lang La Hán dài nhất (26/5/2009)

 Đại lễ cung nghinh Xá Lợi Phật lớn nhất do TWGHPGVN tổ chức (đồng sở hữu)

 (06/6/2009)

Chùa sở hữu 02 kỷ lục Châu Á như sau:

            Hành lang 500 vị La Hán dài nhất (02/8/2012)

            Tượng Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng lớn nhất (02/8/2012)

 

Chùa Bái Đính nằm trong Khu danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt về danh lam thắng cảnh” năm 2012.

Võ Văn Tường

 

Ảnh 01, 02. Toàn cảnh chùa

Ảnh 03-09. Khu vực tam quan ngoại và tam quan nội

Ảnh 10-15. Điện Tam Thế Phật

Ảnh 16-32. Điện Thích Ca

Ảnh 33-39. Điện Quan Âm

Ảnh 40, 41. Tượng Bồ tát Di Lặc

Ảnh 42-45. Tượng A La Hán

Ảnh 46. Bảo tháp thờ Xá Lợi Phật

Ảnh 47-49. Tháp chuông

Ảnh 50-55. Khu chùa Bái Đính cổ

Ảnh 56. Giếng Ngọc

Ảnh 57-60. Cây bồ đề

Ảnh 61-65. Đại lễ Vesak LHQ năm 2014

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 60.

Tin cùng chuyên mục