CHÙA HƯƠNG TÍCH, HÀ TĨNH.
CHÙA HƯƠNG TÍCH, HÀ TĨNH VÀ SỰ TÍCH BÀ CHÚA BA ĐI TU, ĐẮC ĐẠO HÓA PHẬT QUAN ÂM. Chùa Hương Tích thường được gọi là chùa Hương, tọa lạc ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, trên đỉnh Ngàn Hống, núi Hương Tích thuộc dãy Hồng Lĩnh.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Hương Tích Cổ Tự có nghĩa là Chùa Thơm, chùa có danh hiệu Hoan Châu đệ nhất danh thắng, xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa. Năm 1936, vua Bảo Đại cho người chạm khắc chùa Hương Tích vào Anh Đỉnh, 1 trong 9 đỉnh đồng lớn đặt ở Đại Nội, Huế. Năm 1990, Bộ Văn hóa và Thông tin đã công nhận chùa Hương Tích là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Từ thành phố Hà Tĩnh, theo quốc lộ 1A về phía Bắc khoảng 18 km tới ngã ba Nghèn, đi tiếp 4 km rồi rẽ về hướng Đông đi theo biển chỉ dẫn 5 km là đến chùa.
Chùa nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng núi Hương Tích. Chùa được dựng từ thời Trần, nhưng gắn với truyền thuyết xa xưa hơn, đó là sự tích về Thần Hổ và Bà Chúa Ba tức công chúa Diệu Thiện con vua Trang Vương trốn vua cha lên núi tu hành. Phật Tổ đã sai Bạch Hổ đưa công chúa đến động Hương Tích, tu hành trong một hang đá, đắc đạo hóa Phật Quan Âm, ngày nay gọi là am Phật Bà.
Tác giả Lưu Công Đạo năm 1811 đã mô tả chùa Hương Tích trong Thiên Lộc huyện phong thủy thổ chí như sau: “Trên đỉnh núi có bức thành đá, bên thành có 99 cái nền, cái nào cũng ghép bằng đá mài đẽo trơn phẳng gọi là nền Trang Vương… Người ta lấy đá xây thành am, trong am đặt tượng Quan Âm và một số tượng bằng đá. Bên phải am có chùa Phật, bên trái chùa có đền thờ Đại vương núi Hồng. Trong đền có tấm biển vua ban chữ thếp vàng … Một con suối xanh theo bậc đá đi lên, mỗi bước là một phong cảnh khác nhau. Lên cao trông khắp bốn phương, đúng là nơi danh thắng đệ nhất ở miền Hoan Châu”.
Năm 1885, chùa bị hỏa hoạn thiêu rụi. Năm 1901, Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh) Đào Tấn cho xây dựng lại chùa. Chùa được trùng tu vào năm 2003 và năm 2006.
Báo Giác Ngộ ngày 26/02/2004 cho biết, vào tháng 11/2003, Bộ Văn hóa và Thông tin và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo di tích chùa Hương Tích với mức đầu tư 7 tỷ161 triệu đồng, mở rộng quy mô khu di tích tới 1.900 hecta.
Sơ đồ tham quan Khu di tích chùa Hương bắt đầu từ bến Vọng, đến bến Thiên Lương, bến Trong, miếu Cô, miếu Cậu, suối Hương Tuyền đến khu vực chùa Hương Tích gồm: cổng tam quan, thượng điện, am Phật bà, điện Thánh Mẫu, nhà thờ Tổ, nhà khách, vườn mộ, các công trình phụ khác; lên cao nhất là Chùa Thượng mới được xây dựng năm 2016.
Điện Phật chùa Hương Tích được bài trí tôn nghiêm, thờ: Tam Thế Phật, chư Phật, chư Bồ tát và các ban thờ Quan Âm Chuẩn Đề, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp, Tôn giả An Nan, Trưởng giả Cấp Cô Độc.
Ở cổng tam quan chùa có cặp câu đối của Ngạn Xuyên Ngô Đức Thọ soạn, thật ý nghĩa:
Phiên âm: Hồng Lĩnh phỉ hương, cổ tự kiều tùng, minh thiên lại;
Trần triều lưu tích, thiền am bạch thạch, hưởng triều âm!
Dịch nghĩa:
Hồng Lĩnh ngát hương, tùng xinh quanh cổ tự, thêm xa gần vi vu gió thoảng;
Triều Trần lưu tích, đá trắng tại thiền am, với đâu đây vời vợi sóng triều!
(Ông Trần Trọng Khoái phiên âm và dịch nghĩa)
Chùa Hương Tích thường được nhắc đến trong bài “Nhớ chùa Hương” của Thái Thuận:
Bỗng nhớ chùa Hương Tích,
Khe suối đá gập ghềnh,
Dấu Quan Âm ẩn náu
Am Thánh Mẫu tu hành
Biết gì ngoài mây rũ
Muôn thuở tiếng Châu Hoan.
Chùa còn giữ một số di vật cổ như gạch thời Trần, chuông thời Lê … Chùa có tượng Thần Hổ làm bằng bê tông, sơn màu vàng, tư thế nằm nghỉ ngơi, đặt gần khu vực chánh điện chùa Hương Tích.
Chùa Hương Tích có hệ thống cáp treo hoạt động từ năm 2012, đưa du khách từ am Thánh Mẫu lên chùa chính.
Báo Hà Tĩnh ngày 29/11/2019 cho biết Tiểu dự án “Cải thiện vệ sinh môi trường khu du lịch chùa Hương Tích” hứa hẹn sẽ đưa địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh nổi tiếng của Hà Tĩnh lên một tầm cao mới vào năm 2020. Tiểu dự án này có vốn đầu tư 159,185 tỉ đồng, được phê duyệt từ năm 2017, từ nguồn vốn ODA của ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng ngân sách tỉnh.
Hằng năm, lễ hội chùa từ đầu tháng giêng đến 19 tháng 2 âm lịch, đã đón tiếp đông đảo khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.
Võ Văn Tường
Ghi chú: Chúng tôi đã đến viếng chùa vào các ngày 06/3/2002, 17/3/2010, 05/12/2016 và 07/12/2016 nên hình ảnh chưa được cập nhật.
Ảnh 01-04. Phong cảnh chùa Hương Tích
Ảnh 05. Cổng tam quan
Ảnh 06. Biển tên chùa
Ảnh 07, 08. Mặt tiền chùa
Ảnh 09. Ban thờ Quan Âm Chuẩn Đề
Ảnh 10, 11. Ban thờ Hộ Pháp
Ảnh 12. Ban thờ Tôn giả A Nan
Ảnh 13. Ban thờ Trưởng giả Cấp Cô Độc
Ảnh 14. Điện Tam Thế Phật
Ảnh 15. Ban thờ Bồ tát Địa Tạng
Ảnh 16-18. Am Phật Bà
Ảnh 19. Tượng Phật Bà trong am
Ảnh 20, 21. Điện Thánh Mẫu
Ảnh 22. Đại hồng chung
Ảnh 23. Tượng Thần Hổ
Ảnh 24, 25. Cáp treo Hương Tích
Ảnh 26. Thơ văn về cảnh chùa

























Tin cùng chuyên mục
- CHÙA THANH HÀ, THANH HÓA.
- CHÙA CẦN LINH, NGHỆ AN.
- CHÙA ĐẠI TUỆ, NGHỆ AN.
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM CHÁNH THIỆN: GÓC XANH BÌNH AN.
- CHÙA VĨNH MINH - LÂM ĐỒNG
- THIỀN VIỆN VẠN HẠNH - LÂM ĐỒNG
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM - LÂM ĐỒNG
- CHÙA PHƯỚC HUỆ - LÂM ĐỒNG
- CHÙA PHÁP VÂN - LÂM ĐỒNG
- CHÙA LINH THẮNG - LÂM ĐỒNG
- CHÙA LINH SƠN - LÂM ĐỒNG
- CHÙA LINH QUANG - LÂM ĐỒNG
- CHÙA LINH PHƯỚC - LÂM DỒNG
- CHÙA LINH HÒA - LÂM ĐỒNG
- CHÙA LINH ẨN - LÂM ĐỒNG