CHÙA CẢM SƠN, HÀ TĨNH.
CHÙA CẢM SƠN - NGÔI DANH LAM Ở HÀ TĨNH. Chùa tên Cảm Sơn Tự, thường gọi là chùa Nài, tọa lạc tại phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Tác giả Xuân Bắc trong bài: “Hà Tĩnh: Núi Nài - Chùa Cảm Sơn, Danh thắng giữa đất Thành Sen” (tạp chí Quê Hương Ngày Nay số 218/2018) cho biết quần thể Núi Nài - Chùa Cảm Sơn được xếp là một trong tám cảnh đẹp của Hà Tĩnh. Núi Nài rộng khoảng 3,6 hecta, cao khoảng 23 mét so với mặt nước biển, thuộc Di chỉ cồn sò điệp ven biển miền Trung, thuộc hậu kỳ đồ đá mới.
Chùa Cảm Sơn ở phía Tây Nam núi Nài, được dựng vào thời Hậu Lê, đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Thịnh Đức (1653-1658). Tác giả Xuân Bắc cho biết trước đây chùa Cảm Sơn chỉ có một ngôi chánh điện và một nhà tăng. Phía trước chùa có cây đa cành lá sum suê và một giếng nước trong xanh không bao giờ vơi cạn. Cây đa, giếng nước hòa cùng quần thể núi Nài góp phần tôn lên không gian kiến trúc chùa Cảm Sơn thêm linh thiêng, cổ kính. Theo dòng chảy của thời gian và chiến tranh tàn phá, năm 1965, chùa Cảm Sơn bị phá hủy hoàn toàn.
Chùa đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần trên nền móng ngôi chùa Cảm Sơn xưa. Năm 1997, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm từ Hà Nội về Hà Tĩnh khôi phục Phật giáo và chùa tháp tại đây. Năm 2005, Hòa thượng thành lập Ban Đại diện Phật giáo Hà Tĩnh. Đến năm 2007, Đại hội Phật giáo Hà Tĩnh lần thứ nhất được tổ chức. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chọn chùa Cảm Sơn để đặt Văn phòng Ban Trị sự nên đã có kế hoạch tôn tạo chùa: năm 2012, dựng nhà Tổ; năm 2013, dựng ngôi chánh điện mới uy nghiêm theo kiến trúc truyền thống chùa Việt.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ tượng Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Thất Phật Dược Sư, đức Phật Thích Ca, tượng Đản Sanh và tượng Bồ tát Quán Thế Âm.
Ở nhà Tổ có cặp câu đối như sau (ảnh 12):
Trí nhãn viên minh, thiên thượng nhân gian khai ám muội;
Hạnh môn quảng đại, thử phương tha giới tác truyền trì!
Nghĩa là:
Mắt trí sáng ngời, giải tỏa sự mê lầm về cảnh giới thiên nhân;
Tâm hạnh rộng rãi, duy trì niềm chân chánh khắp biên cương sanh tử!
(Ông Trần Trọng Khoái phiên âm và dịch nghĩa)
Chùa có trang web: chuacamson.com và trang facebook: Chùa Cảm Sơn Hà Tĩnh. Các thông tin trên các phương tiện này cho thấy chùa đã có rất nhiều hoạt động Phật sự dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm và hướng dẫn trực tiếp của Đại đức Thích Quảng Nguyên. Xin dẫn vài tin dưới đây:
Sáng ngày 09/12/2018, tại chùa Cảm Sơn, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh trang nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm 710 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, tưởng niệm Chư vị Tổ sư Phật giáo Hà Tĩnh qua các thời kỳ.
Sáng ngày 16/8/2019, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh (xã Hổ Độ, huyện Thạch Hà), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh trang nghiêm tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu PL 2563 - DL 2019. Trong buổi lễ có nghi thức dâng trà, một nghi thức mang tính chất nhân văn trong đời sống văn hóa truyền thống dân tộc.
Ngày 05/10/2019, kênh “Truyền hình Phật giáo” (tv.phatgiao.org.vn) chính thức lên sóng sẽ đem đến cho quý Phật tử, công chúng các chương trình đậm chất nhân văn, mang âm hưởng của triết lý văn hóa Phương Đông và Phật giáo.
Sáng ngày 20/6/2020, tại chùa Cảm Sơn, phường Đại Nài, Tthành phố Hà Tĩnh, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh trang nghiêm tổ chức Khóa tu Bát quan trai giới cho gần 300 Phật tử về tham dự.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh cho biết năm 2010, chư Tăng an cư kiết hạ đầu tiên tại chùa; đến năm 2018, chư Ni an cư kiết hạ tại chùa. Năm 2007, chỉ có 4 vị tăng, nay đã có 50 vị tăng và 10 vị ni. Từ một điểm trắng về chùa tháp năm 1997, nay Hà Tĩnh đã có 65 ngôi chùa được trùng tu, xây dựng khang trang ở thành phố và các huyện: Chùa Cảm Sơn (thành phố Hà Tĩnh); chùa Cầm Sơn, chùa Yên Lạc (huyện Cẩm Xuyên); chùa Chân Tiên, chùa Trúc Lâm Thanh Lương (huyện Lộc Hà); chùa Đà Liễu, chùa Phong Phạn (huyện Nghi Xuân); chùa Đá, chùa Nhiễu Long (huyện Đức Thọ); chùa Hương Tích (huyện Can Lộc); chùa Dền (huyện Kỳ Anh); chùa Tăng Phúc, chùa Tịnh Lâm (huyện Thạch Hà); chùa Thanh Lương, thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh (huyện Nghi Xuân); chùa Thiên Trượng (thị xã Hồng Lĩnh); chùa Tượng Sơn (huyện Hương Sơn) v.v… Các chùa đều có Tăng (Ni) trụ trì, hướng dẫn Phật tử tu học theo chánh Pháp.
Tác giả Xuân Bắc trong bài viết nêu trên cho biết những danh sĩ nổi tiếng như: Bùi Huy Bích, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh, Phan Bội Châu đã từng đặt chân đến chiêm ngưỡng quần thể núi Nài, chùa Cảm Sơn và để lại nhiều vần thơ tuyệt bút. Đặc biệt, Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, một nhà quân sự tài ba, khi về trí sĩ ông chọn chùa Cảm Sơn làm nơi di dưỡng tinh thần.
Ngày nay, núi Nài - chùa Cảm Sơn trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa hấp dẫn ngay giữa lòng thành phố Hà Tĩnh, nơi tiếp đón các đoàn hành hương Phật giáo khắp mọi miền; và nơi tu tập, sinh hoạt của đông đảo thiện nam, tín nữ, Phật tử Hà Tĩnh.
Võ Văn Tường
Ảnh 01. Biển tên Văn phòng Ban Trị sự
Ảnh 02. Toàn cảnh chùa
Ảnh 03. Ngôi chánh điện
Ảnh 04. Biển tên chùa
Ảnh 05, 06. Ngôi chánh điện
Ảnh 07-09 . Điện Phật
Ảnh 10. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm
Ảnh 11. Nhà Tổ
Ảnh 12. Ban thờ Tổ
Ảnh 13. Kiến trúc tiền đường
Ảnh 14. Trang trí đầu đao
Tin cùng chuyên mục
- CHÙA HƯƠNG TÍCH, HÀ TĨNH.
- CHÙA THANH HÀ, THANH HÓA.
- CHÙA CẦN LINH, NGHỆ AN.
- CHÙA ĐẠI TUỆ, NGHỆ AN.
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM CHÁNH THIỆN: GÓC XANH BÌNH AN.
- CHÙA VĨNH MINH - LÂM ĐỒNG
- THIỀN VIỆN VẠN HẠNH - LÂM ĐỒNG
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM - LÂM ĐỒNG
- CHÙA PHƯỚC HUỆ - LÂM ĐỒNG
- CHÙA PHÁP VÂN - LÂM ĐỒNG
- CHÙA LINH THẮNG - LÂM ĐỒNG
- CHÙA LINH SƠN - LÂM ĐỒNG
- CHÙA LINH QUANG - LÂM ĐỒNG
- CHÙA LINH PHƯỚC - LÂM DỒNG
- CHÙA LINH HÒA - LÂM ĐỒNG