THIỀN VIỆN TRÚC LÂM BẠCH MÃ, THỪA THIÊN HUẾ.
THIỀN VIỆN TRÚC LÂM BẠCH MÃ, ĐIỂM CHIÊM BÁI TUYỆT ĐẸP Ở THỪA THIÊN HUẾ! Thiền viện tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, khu vực hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở độ cao 1.450m, cách biển Đông 5km đường chim bay, nhiệt độ trung bình 200C, Bạch Mã là nơi có khí hậu mát mẻ, lý tưởng cho việc tu tập của Tăng, Ni, Phật tử và các chuyến tham quan, chiêm bái của du khách.
THIỀN VIỆN TRÚC LÂM BẠCH MÃ,
ĐIỂM CHIÊM BÁI TUYỆT ĐẸP Ở THỪA THIÊN HUẾ!
Thiền viện tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, khu vực hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở độ cao 1.450m, cách biển Đông 5km đường chim bay, nhiệt độ trung bình 200C, Bạch Mã là nơi có khí hậu mát mẻ, lý tưởng cho việc tu tập của Tăng, Ni, Phật tử và các chuyến tham quan, chiêm bái của du khách.
Tên thiền viện lấy theo tên núi Bạch Mã. Chữ “Trúc Lâm” hàm ý đến dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và mang tính nhập thế.
Do nhân duyên hội tựu, ngày 16/02/2006, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ chỉ dạy các đệ tử thay ngài ra Huế khảo sát, chọn đất, chọn vị trí xây dựng ngôi thiền viện đầu tiên ở xứ Huế. Đó là một sơn đảo giữa lòng hồ Truồi, thuộc vườn quốc gia Bạch Mã.
Nhân kỷ niệm ngày giỗ Thiền sư Pháp Loa, Trúc Lâm đệ nhị Tổ mùng 2 tháng 3 năm Bính Tuất (30/3/2006), thiền viện đã tổ chức trọng thể Lễ đặt đá xây dựng dưới sự chứng minh của Chư Tôn đức Tăng, Ni. Đại diện Chính quyền địa phương và hàng ngàn quan khách, thiện nam tín nữ, Phật tử gần xa đã đến tham dự buổi lễ.
Trang web: truclambachma.net cho biết: “Trước cảnh non xanh, nước biếc, mây khói ảo huyền, nếp đời thanh thoát, thấm nhuần đạo vị, có khách gọi đây là cảnh “Phúc Thiên Vương” (cảnh phúc trời cho):
Tìm chỗ non xanh dựng Viện Thiền,
Màu mây sắc nước phúc Vương Thiên.
Chẳng cần bút mực nhân gian họa,
Đức chúng dầy sâu xuất Thánh Hiền.”
Sau thời gian làm hồ sơ xây dựng, san lấp mặt bằng, chuẩn bị thi công, thiền viện chính thức khởi công xây dựng vào ngày 21 tháng 7 nhuần năm Bính Tuất (13/9/2006).
Ngày 17 tháng 02 năm Mậu Tý (24/3/2008), Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ đã quang lâm thiền viện, chứng minh Lễ An vị Phật, Tổ và khai chuông trống.
Ngày 15 tháng 3 năm Mậu Tý (20/4/2008), Đại lễ khánh thành thiền viện được long trọng cử hành.
Thiền viện có 3 khu vực: ngoại viện, tăng viện và ni viện với trên 20 hạng mục xây dựng đã hoàn thành.
Từ thành phố Huế đi về hướng Nam khoảng 30 km, đến địa phận Truồi, qua cầu Truồi rẻ phải đi 6 km vào đập Truồi; thiền viện hiện ra giữa hồ Truồi như bức tranh thủy mặc hữu tình! Qua lòng hồ Truồi khoảng 500m bằng những con thuyền nhỏ, rồi bước lên 172 bậc cấp mới đến cổng tam quan thiền viện. Ở đây có ngôi chánh điện và tháp chuông, tháp trống hai bên.
Ngôi chánh điện hai tầng nằm trên ngọn đồi. Điện Phật tôn trí tượng đức Phật Thích Ca và hai vị Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền bằng sa thạch. Chung quanh vách tường ngôi chánh điện có các bức tranh về cuộc đời đức Phật Thích Ca. Ở đây có 2 cặp câu đối như sau (ảnh 16):
Âm Hán: Nhất kiến niêm hoa, xứ xứ tận thành hoa tạng giới,
Tài văn thinh ứng, đầu đầu viên liễu thượng thừa thiền.
Nghĩa: Vừa thấy đưa hoa, chốn chốn trọn thành hoa tạng giới (pháp thân),
Thoạt nghe tiếng dạ, nơi nơi sáng tỏ thượng thừa thiền.
(Bản dịch âm Hán và nghĩa của thiền viện)
Sau chánh điện là nhà Tổ thờ tượng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và Trúc Lâm Tam Tổ (Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang) đều bằng sa thạch. Ở nhà Tổ có cặp câu đối bằng chữ Hán như sau (ảnh 22):
Âm Hán: Trường tại Linh Sơn, Ca Diếp phá nhan trì nhãn tạng,
Vĩnh tồn Yên Tử, Trúc Lâm ngộ chỉ tục tâm đăng.
Nghĩa: Còn đó Linh Sơn, Ca Diếp mỉm cười trì ấn Phật,
Còn đây Yên Tử, Trúc Lâm tỏ ngộ nối đèn thiền.
(Bản dịch âm Hán và nghĩa của thiền viện)
Cách ngôi chánh điện khoảng 500m, Phật đài Thích Ca uy nghi giữa núi rừng, hồ nước. Cảnh quan đẹp tuyệt vời!
Phật đài được khởi công xây dựng vào năm Đinh Hợi (2007), hoàn thành vào năm Kỷ Sửu (2009). Tôn tượng đức Phật Thích Ca cao 25,5m, gần 800m3 đá, nặng 1.500 tấn. Tòa kim cang và thân Phật được làm bằng đá hoa cương màu vàng có chứa nhiều hàm lượng thạch anh, khai thác từ Phan Thiết. Riêng bàn quỳ làm bằng đá granite của địa phương. Phần đế dưới cùng làm bằng bê-tông cốt thép. Tại đây, Tỳ kheo Thích Tâm Hạnh đã khắc ghi tấm bia kỷ niệm vào mùa Đông năm Kỷ Sửu (2009):
“ … Phật đài được tạc theo hình ảnh “niêm hoa vi tiếu” của Phật giáo Thiền tông. Tu thế ngồi kiết già trên tòa kim cang, đức Phật Thích Ca Mâu Ni tay cầm cành hoa sen đưa lên khai thị đại chúng.
…
Uy nghiêm sừng sững trên một ốc đảo cây cối sum sê giữa lòng hồ Tỉnh Giác của xứ Truồi nước trong xanh biêng biếc, đức Phật vẫn ngồi đó với cành hoa sen trên tay đang nở rộ, tròn vìn. Có người thoáng thấy, hoặc bao lữ khách chiêm ngưỡng, hay là có vị thành tâm kính lễ cúng dường. Hy vọng rằng, mỗi mỗi đều được suốt qua hình tướng, bất chợt hoát toang sáng rỡ, xóa tan nghi ngờ tối tăm. Mới hay ra, mật ấn Linh sơn đang rành rành trước mắt. Rờ rỡ, rõ ràng!”
Trang web: truclambachma.net chuyên về thiền tông, có số lượng người truy cập khá lớn (trên 4 triệu lượt người truy cập tính đến ngày 12/9/2020) với nhiều thông tin, bài giảng, pháp thoại, chuyên đề, thiền với đời sống: câu chuyện cuộc sống, câu chuyện thiền, thiền và khoa học … trong đó, có nhiều bài viết, bài giảng về thiền của Thượng tọa Thích Tâm Hạnh, đương nhiệm trụ trì thiền viện.
Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế (thuathienhue.gov.vn), bài: Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã cho biết: “Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là một quần thể danh lam giữa vùng sơn thủy hữu tình, đã trở thành địa chỉ tham quan cho du khách thập phương khi đến với vùng đất cố đô Huế”.
Võ Văn Tường
Tài liệu tham khảo:
- Sách: Võ Văn Tường, 2017, Tượng Phật Việt Nam, nhà xuất bản Thanh Hóa.
- Website:
Thuathienhue.gov.vn: Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.
Truclambachma.net: Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.
Chú thích ảnh:
Ảnh 01. Hồ Tỉnh Giác (hồ Truồi)
Ảnh 02-03. Tượng đài đức Phật Thích Ca (cao 25,5m)
Ảnh 04-05. Toàn cảnh thiền viện
Ảnh 06-07. Đường lên thiền viện
Ảnh 08-09. Cổng tam quan
Ảnh 10. Toàn cảnh thiền viện
Ảnh 11-12. Ngôi chánh điện
Ảnh 13-15. Mặt bên ngôi chánh điện
Ảnh 16. Điện Phật
Ảnh 17. Bàn thờ đức Phật Thích Ca
Ảnh 18. Bàn thờ Bồ tát Văn Thù
Ảnh 19. Bàn thờ Bồ tát Phổ Hiền
Ảnh 20. Mặt sau ngôi chánh điện
Ảnh 21. Tổ đường
Ảnh 22. Bàn thờ chư Tổ
Ảnh 23-24. Tháp chuông
Ảnh 25. Đại hồng chung
Ảnh 26. Định vị tọa độ thiền viện
Ảnh 27. Cảnh thiền viện bên hồ Tỉnh Giác
Tin cùng chuyên mục
- CHÙA HÀ TRUNG, THỪA THIÊN HUẾ.
- CHÙA DIỆU ĐẾ, THỪA THIÊN HUẾ.
- CHÙA BÁO QUỐC, THỪA THIÊN HUẾ.
- CHÙA BA LA MẬT, THỪA THIÊN HUẾ.
- CHÙA GIÁC LÂM, THỪA THIÊN HUẾ.
- CHÙA THIÊN MỤ, THỪA THIÊN HUẾ.
- CHÙA SẮC TỨ TỊNH QUANG, QUẢNG TRỊ.
- CHÙA CAM LỘ, QUẢNG TRỊ.
- NGÔI CHÙA CỔ LINH THIÊNG Ở QUẢNG BÌNH
- QUAN ÂM CỔ TỰ, QUẢNG BÌNH.
- CHÙA HOẰNG PHÚC, QUẢNG BÌNH.
- CHÙA ĐẠI GIÁC, QUẢNG BÌNH.
- CHÙA TƯỢNG SƠN, HÀ TĨNH.
- CHÙA TRÚC LÂM THANH LƯƠNG, HÀ TĨNH.
- CHÙA CẢM SƠN, HÀ TĨNH.