CHÙA HOẰNG PHÚC, QUẢNG BÌNH.
CHÙA CỔ HOẰNG PHÚC, QUẢNG BÌNH “VÔ SONG PHÚC ĐỊA” (ĐẤT PHÚC KHÔN SÁNH) Chùa Hoằng Phúc tọa lạc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chùa còn gọi là Chùa Trạm hay Chùa Quan. Chùa cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4 km, cách Quốc lộ 1A 3 km.
Trang web: chuahoangphuc.com có bài: “Chùa Hoằng Phúc Quảng Bình ‘VÔ SONG PHÚC ĐỊA’ có niên đại hơn 700 năm” cho biết chùa có từ thời Trần, được xem là ngôi chùa cổ nhất miền Trung Việt Nam. Chùa được ghi nhận là nơi “vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh), khởi nguồn có tên là Am Tri Kiến. Văn bia ở chùa năm 2016 cho biết năm 1301, Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông trên đường du hóa Nam phương, dừng lại chọn lập am và quảng hoằng Phật pháp. Khi đó, am được gọi là “Am Tri Kiến” nghĩa là tự con người giác ngộ chân lý nhà Phật.
Năm 1609, chúa Tiên - Nguyễn Hoàng sau khi trấn trị phương Nam đã cho xây dựng lại chùa khang trang hơn.
Năm 1716, chúa Minh - Nguyễn Phúc Chu tiếp nối tiên đế tôn tạo, mở rộng chùa và đổi tên là “Kính Thiên Tự” nghĩa là chốn đất Phật chí kính chí tôn. Chúa ngự bút 4 chữ “Vô song phúc địa”.
Năm 1826, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là “Hoằng Phúc Tự” với nghĩa quảng hoằng phúc lộc rộng rãi cho muôn dân.
Trải qua thời gian dài và chiến tranh, chùa đã bị hư hại và bị sụp đổ trong cơn bão số 12 năm 1985. Chùa còn giữ một số hiện vật như: mõ; chuông đồng 80kg, cao 1,2m, đường kính 0,5m, tai treo chạm nổi hai con rồng miệng ngậm ngọc cùng nhiều hoa văn tinh xảo; tượng Phật; lư hương; đế đèn; bình hoa; tòa sen … và một mảng cổng chùa cổ.
Ngày 01/6/2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định số 1201/QĐ-UBND cấp bằng xếp hạng Chùa Hoằng Phúc là Di tích cấp tỉnh, thành phố.
Ngày 30/11/2014, UBND huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư công trình phục dựng chùa với tổng số vốn 60 tỷ đồng do nhiều cá nhân và doanh nghiệp đóng góp, trong đó, ông Trần Bắc Hà và 23.000 đoàn viên Công đoàn Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đóng góp chính.
Lễ đặt đá hưng công động thổ được tổ chức vào ngày 30/11/2014 (ngày 09 tháng 10 năm Giáp Ngọ).
Ngày 09/12/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 4248/QĐ-BVHTTDL cấp bằng xếp hạng Chùa Hoằng Phúc là Di tích Quốc gia.
Ngày 15/6/2016, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định số 080/QĐ-BTS công nhận Ban trụ trì chùa do Thượng tọa Thích Đức Thiện làm trụ trì. (Thượng tọa hiện trụ trì Chùa Phật Tích ở Bắc Ninh).
Chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo theo hướng giữ nguyên trạng chùa cổ, gồm: tam quan ngoại, tam quan nội, hai tháp Phật, đài Quan Âm giữa hồ, ngôi Tam Bảo, hành lang A La Hán, nhà Tổ, nhà Tăng, nhà trai và các công trình khác.
Ngày 15/01/2016, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định số 99/QĐ-UBND công nhận Điểm du lịch địa phương Di tích lịch sử Quốc gia Chùa Hoằng Phúc.
Ngày 16/01/2016 (ngày 7 tháng chạp năm Ất Mùi), chùa đã tổ chức trang nghiêm, trọng thể đại lễ khánh thành. Nhân dịp này, Hòa thượng Kate Ti Vara, trụ trì Thiền viện Thane-Daung-Taik-Thit và Bảo tàng Xá Lợi Yangon, Myanmar đã trao tặng Xá Lợi xương của đức Phật Tổ đến chùa Hoằng Phúc.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, theo truyền thống chùa cổ miền Bắc: Các hương án giữa thờ: Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí), Thích Ca Tam Tôn (đức Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền), Bồ tát Di Lặc, tòa Cửu Long … Hai bên có các ban thờ: Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp, Thập điện Minh Vương, Tôn giả A Nan, Trưởng giả Cấp Cô Độc. Hai dãy hành lang thờ tượng Thập bát A La Hán. Chùa có ban thờ Ngài Liễu Hạnh.
Chùa có cặp câu đối chữ Hán ở chánh điện nói về lịch sử ngôi cổ tự: (ảnh 11)
Tri kiến cổ am, huân nghiệp Trần triều tồn thắng tích;
Kính Thiên cựu tự, nhân duyên Nguyễn phủ tại danh lam!
Dịch nghĩa: Tri Kiến am xưa là công đức nhà Trần khéo tài bồi thắng tích;
Kính Thiên chùa cổ do nhân duyên triều Nguyễn đã phát triển danh lam!
(Ông Trần Trọng Khoái phiên âm và dịch nghĩa)
Xin trích bài minh ở văn bia chùa Hoằng Phúc:
“Ô Châu linh đại, Điều Ngự khai cơ, giữ vững dư đồ, Nguyên Mông bạt vía; Nam du xuất thế, lập Tri Kiến Am, giáo dưỡng muôn dân. Như Lai hồi hướng. Chúa Minh phương trượng, cải danh Kính Thiên, mở rộng chùa chiền, đạo càng tỏa rạng. Sang đời Minh Mạng, đổi Hoằng Phúc chùa, mong khắp cõi bờ, phúc tràn nhân thế. Bao cơn dâu bể, chùa chỉ còn nền, nay gặp người hiền, đức cao tâm Phật; tiếc cái đã mất, sửa cái may còn, phát tâm hưng công, chùa xưa lại đẹp. Kính cáo. Nam mô A Di Đà Phật”
Chùa Hoằng Phúc ngày nay là một ngôi phạm vũ uy nghiêm, mỹ lệ; không gian thoáng đãng, an tịnh. Chùa là nơi tu học, sinh hoạt theo chánh pháp của đông đảo Phật tử, thiện nam, tín nữ ở huyện Lệ Thủy và các huyện lân cận; là địa điểm văn hóa tâm linh của du khách, các đoàn hành hương Phật giáo trong nước và quốc tế.
Võ Văn Tường
Ảnh 01-04. Toàn cảnh chùa
Ảnh 05. Tam quan nội
Ảnh 06, 07. Cổng chùa xưa (phế tích)
Ảnh 08. Đài Quan Âm
Ảnh 09. Bảo tháp thờ Phật
Ảnh 10. Ngôi Tam Bảo
Ảnh 11, 12. Điện Phật
Ảnh 13. Xá Lợi Phật
Ảnh 14. Ban thờ đức Phật A Di Đà
Ảnh 15. Ban thờ Bồ tát Quán Thế Âm
Ảnh 16. Ban thờ Bồ tát Địa Tạng
Ảnh 17, 18. Tượng Thập bát A La Hán
Ảnh 19, 20. Ban thờ Thập điện Minh Vương
Ảnh 21-24. Ban thờ Hộ Pháp
Ảnh 25. Ban thờ Tôn giả A Nan
Ảnh 26. Ban thờ Trưởng giả Cấp Cô Độc
Ảnh 27. Ban thờ Ngài Liễu Hạnh
Ảnh 28. Đại hồng chung
Ảnh 29. Trống
Ảnh 30. Bia kỷ niệm
Tin cùng chuyên mục
- CHÙA ĐẠI GIÁC, QUẢNG BÌNH.
- CHÙA TƯỢNG SƠN, HÀ TĨNH.
- CHÙA TRÚC LÂM THANH LƯƠNG, HÀ TĨNH.
- CHÙA CẢM SƠN, HÀ TĨNH.
- CHÙA HƯƠNG TÍCH, HÀ TĨNH.
- CHÙA THANH HÀ, THANH HÓA.
- CHÙA CẦN LINH, NGHỆ AN.
- CHÙA ĐẠI TUỆ, NGHỆ AN.
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM CHÁNH THIỆN: GÓC XANH BÌNH AN.
- CHÙA VĨNH MINH - LÂM ĐỒNG
- THIỀN VIỆN VẠN HẠNH - LÂM ĐỒNG
- THIỀN VIỆN TRÚC LÂM - LÂM ĐỒNG
- CHÙA PHƯỚC HUỆ - LÂM ĐỒNG
- CHÙA PHÁP VÂN - LÂM ĐỒNG
- CHÙA LINH THẮNG - LÂM ĐỒNG