Võ Văn Tường - Người kể chuyện Phật Giáo Việt Nam

Trong bài viết “Nét văn hóa mới đậm nét trong cuộc sống thường nhật của người Hàn Quốc”, tác giả Yoon Se-young đã kể về thời kỳ kỹ thuật chụp ảnh mới được du nhập vào Hàn Quốc cách đây hơn trăm năm; người Hàn Quốc đã lạ lẫm, sợ hãi “chiếc hộp màu đen” có thể sao chép hình ảnh của họ và vạn vật. Cùng thời điểm ấy, không biết đại đa số người Việt có phản ứng tiêu cực với chiếc máy ảnh và kỹ thuật “lấy hình” hay không, nhưng đúng ngày 14 tháng 3 năm 1869, tiệm ảnh đầu tiên của người Việt, lấy tên là Cảm Hiếu Đường, đã khai trương ở Hà Nội, chính thức đánh dấu sự ra đời của lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam.
Võ Văn Tường - Người kể chuyện Phật Giáo Việt Nam

Và trăm năm sau, tại Việt Nam, nhiều thế hệ thanh niên đã làm quen và say mê với bộ môn nghệ thuật này. Những năm 1969, tại trường Quốc học Huế có một cậu học trò nhỏ được Thầy giáo chỉ dạy cho những bài học căn bản đầu tiên về chụp ảnh, lập phòng tối để rửa hình, rồi được Ba tặng cho một chiếc máy ảnh của Nhật. Và cậu đã dần gắn bó cuộc đời mình với nhiếp ảnh, qua đề tài chủ đạo và xuyên suốt là các ngôi Chùa và các tượng Phật. Đó là học giả, giảng viên, nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường, tác giả của 26 ấn phẩm về Chùa và Phật tích Việt Nam (viết chung và viết riêng) đã được phát hành ở nhiều nước trên thế giới, tác giả của hơn 40 triển lãm hình ảnh về ngôi Chùa Việt Nam ở trong nước và quốc tế, hàng trăm lớp học về Danh lam Việt Nam, hàng trăm bài báo viết về hoạt động của các ngôi Chùa Việt Nam, người sở hữu 5 kỷ lục Việt Nam liên quan đến Phật giáo. 
Tôi gọi Võ Văn Tường là người kể chuyện Phật giáo Việt Nam bởi lẽ hình ảnh của 4.000 ngôi Chùa khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài mà ông đã chụp được chính là bức tranh tổng thể, theo đúng nghĩa đen – nghĩa là một bức tranh mà người ta có thể nhìn và ngắm được – về tình hình Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đó là những ngôi chùa được lựa chọn theo tiêu chí của ông Võ Văn Tường: có thầy trụ trì, có thời khóa tu học và hoạt động Phật sự. Hầu hết các ngôi Chùa trên trăm tuổi đời nhưng vẫn còn vững chãi, khang trang nhờ được quan tâm và chăm sóc không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng một tình cảm thiêng liêng dành cho Phật giáo của rất đông, rất đông người Việt ở khắp mọi nơi, cho thấy sức sống rất mãnh liệt của Phật giáo trong đời sống tâm linh của người Việt.
Không phải ngẫu nhiên mà Phật giáo bám rễ vững chắc và lâu bền trong tâm thức người dân. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ông Võ Văn Tường lại gắn bó đời mình với những bức ảnh về Chùa. Theo ông, đó là một cái duyên lành. Từ nhỏ ông đã được Ba mẹ cho quy y, rồi vào cấp 1, cấp 2, ông được học trong một ngôi trường nằm trong khuôn viên của một ngôi Chùa cổ, và những bức ảnh đầu tiên của cậu bé trung học chính là hình ảnh về mái Chùa đã ôm ấp ngôi trường tư thục của cậu. Cuộc đời lại khiến ông Võ Văn Tường tiếp tục gắn bó với Chùa khi ông đã tốt nghiệp một trường đại học Phật giáo, thực hiện luận văn thạc sĩ về Phật giáo và sau này trở thành thành viên của các tổ chức Phật giáo và nghiên cứu về Phật giáo ở Việt Nam. Hình ảnh của các ngôi Chùa trở nên rất cần thiết và hữu ích cho các hoạt động viết sách, triển lãm, dạy học... nên ông càng phải chụp và lưu giữ nhiều. Ông Tường bảo chỉ vì công việc mà ông chụp ảnh Chùa, nhưng tôi cho rằng không phải chỉ vì công việc, mà còn vì một–tình–yêu. Nếu không có một tình yêu lớn dành cho các ngôi Chùa, cho các tượng Phật ông không thể dành hơn 30 năm lặn lội khắp nơi để chụp ảnh như vậy.
Tình yêu ấy khiến ông có thể thường xuyên lội suối băng rừng, thức khuya dậy sớm; có thể leo núi Yên Tử (thời chưa có cáp treo) với độ cao 1.068 m đến 7 lần; có thể trở đi trở lại một ngôi chùa không dưới 50 lần để chụp ảnh (như chùa Quán Sứ, chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Vĩnh Tràng, chùa Tây An, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Giác Lâm, thiền viện Vạn Hạnh, tịnh xá Trung Tâm... ) hay thực hiện một chuyến đi 10 ngày từ Mỹ qua Nga chỉ để chụp ảnh ngôi chùa Thảo Đường; tự lái xe đi 700, 800 km từ bang này qua bang khác của nước Mỹ để chụp được một ngôi chùa Việt (và 10 năm sống ở Mỹ, ông đã đi như vậy qua hơn 30 tiểu bang). Đó là chưa kể những lần gặp tai nạn nghề nghiệp, những lần bị sốt cao, những lần một mình, đêm khuya leo núi cho kịp công việc; chưa kể những giai đoạn 2, 3 tháng trời làm việc liên tục 16 đến 20 giờ mỗi ngày để hoàn thành các quyển sách. Tên tuổi và sự nghiệp của ông Võ Văn Tường với rất nhiều tác phẩm, công trình đã được xuất bản và được công nhận kỷ lục Việt Nam rất dễ dàng tìm thấy trên Google, nhưng Google không thể kể được những gian truân, vất vả đằng sau những vinh quang, cũng không kể được câu chuyện tình giữa ông với đối tượng sáng tác rất đặc biệt. Người ta thường nói, tình yêu tạo nên sức mạnh, giúp con người san bằng những khó khăn, và tình yêu của ông Võ Văn Tường với nhiếp ảnh, với những ngôi Chùa, với những bức tượng là một minh chứng. 
Không chỉ là tình yêu, việc kể chuyện Phật giáo bằng hình ảnh đối với ông Tường còn là một sứ mệnh, một mục đích sống của cuộc đời. Theo những quy luật của “Luật hấp dẫn”, Jack Canfield và D.D Watkins đã nói: “Vũ trụ sẽ hỗ trợ mọi nỗ lực của bạn khi bạn đang sống đúng với mục đích, đam mê và cái tôi thật sự bên trong.”
Vậy mới hiểu vì sao ông Võ Văn Tường, khi đang sống hết lòng với mục đích “lưu trữ hình ảnh về các ngôi Chùa và các pho tượng một cách có hệ thống để làm tư liệu lịch sử và văn hóa cho Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài”, đã nhận được sự hỗ trợ, chung sức của nhiều người. Chẳng hạn, di chuyển các pho tượng trong điện Phật là một việc không tưởng, nhưng mọi người đã thường xuyên “thỉnh các Ngài ra sân” cho ông Tường chụp ảnh, không phải tượng nhỏ mà là cả những tượng lớn, các bộ tượng La Hán, Minh Vương... (chùa Thập Tháp ở Bình Định; chùa Ba La Mật, Huế; chùa Hội Khánh, Bình Dương; chùa Vĩnh Tràng, Tiền Giang...). Ông Tường kể: “Để chụp pho tượng A Di Đà chùa Tây Thiên, pho tượng tôn trí bên trong cùng, hai lần, mỗi lần quý thầy mất cả buổi di chuyển tất cả pháp khí, tủ thờ bàn ghế... cả điện Phật ra ngoài.”
Trong ấn phẩm mới nhất, quyển “Tượng Phật Việt Nam”, ấn tống năm 2017, cũng như trong các tác phẩm mà tôi đã được ngắm nhìn, có cảm giác hình ông Tường chụp dung dị như con người của ông. Không thấy những kỹ thuật Motion Blur – chụp nhòe chuyển động, Panning – chụp ảnh lia máy, không thấy kỹ thuật Bokeh – làm nhòe phông hay kỹ thuật phơi sáng dài, chụp ảnh tốc độ chậm,... tất cả đều chân thật, gần gũi và ấm áp, đúng như tiêu chí chụp ảnh của ông: “Tập trung vào nội dung cho đúng, hơn là chụp cho đẹp”. Như chụp quả đại hồng chung, thay vì chọn góc máy để chụp đẹp, ông ưu tiên góc máy thấy cả quả chuông, thấy rõ nhất tên chùa và bảng lịch sử chùa hoặc bài kệ khắc trên chuông. Tôi thích cách nhìn và cách kể chuyện bằng hình của ông, một nhiếp ảnh gia, một học giả, một đứa con của nhà Phật. Đứa con ấy tâm đắc ở Phật giáo hai từ: từ bi và trí tuệ, tâm niệm hiểu đạo Phật để mình luôn được an vui, và mang niềm an vui đến mọi người.
Qua những cuộc trò chuyện, qua lịch đi chụp ảnh các ngôi Chùa đã dày kín trong năm, tôi biết ông Võ Văn Tường đang được an vui và ông cũng đang mang an vui đến cho nhiều người. Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường đang chụp những bức ảnh đẹp nhất cho chính cuộc đời mình. Bản chất của nhiếp ảnh là sự phơi sáng. Máy ảnh là một hộp tối, khi ta chụp ảnh, một cánh cửa sẽ mở ra, ánh sáng từ bên ngoài tràn vào sẽ tác động vào film hay sensor để cho ra một bức ảnh. Vậy còn chần chờ gì nữa, chúng ta hãy mở chiếc máy ảnh của mình ra, sống vui, sống có ích, để chụp nên những bức ảnh đẹp nhất của cuộc đời mình. Cảm ơn ông Võ Văn Tường, cảm ơn những bức ảnh về Phật giáo của Ông đã truyền cho người xem những năng lượng hết sức tích cực.

 

Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng gỗ từ thời Hậu 

Lê, chùa Bút Tháp, Bắc Ninh. (Ảnh. Võ Văn Tường)

 

 

Tượng Phật A Di Đà, chùa Tây Thiên, Huế. 
Tượng đúc bằng bạch kim, thếp vàng, do vua Khải Định phụng 
cúng cho chùa. (Ảnh. Võ Văn Tường)

 

 

Tượng Phật A Di Đà bằng đá từ thời Lý, chùa Phật Tích, Bắc Ninh. 
(Ảnh. Võ Văn Tường)

 

 

Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng xi măng cốt sắt cao 67 m, chùa L 
inh Ứng, Bãi Bụt, Đà Nẵng. (Ảnh. Võ Văn Tường)

 

TS. Võ Sông Hương Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM

bài đã đăng trong Tạp chí Văn hoá nghệ thuật Hàn Quốc Koreana số 1 năm 2018. Mục : Điểm nhìn Việt Nam

Tin cùng chuyên mục