Nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường SỐNG VỚI NIỀM SAY MÊ VĂN HÓA CỔ TỰ

          Hiếm có một người Việt Nam nào lại say mê chụp cảnh chùa chiền và dành nhiều công sức, tâm huyết để nghiên cứu, xuất bản nhiều ấn phẩm cao cấp về Phật giáo như Nhà nghiên cứu, Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường. Dường như "cửa thiền" đối với ông đã trở thành một nét đẹp văn hóa ăn sâu trong tâm thức; để rồi khi năm tháng đi qua, ông lại như đóa sen lặng lẽ dâng đời những đứa con tinh thần vô giá...
Nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường SỐNG VỚI NIỀM SAY MÊ VĂN HÓA CỔ TỰ

          Hiếm có một người Việt Nam nào lại say mê chụp cảnh chùa chiền và dành nhiều công sức, tâm huyết để nghiên cứu, xuất bản nhiều ấn phẩm cao cấp về Phật giáo như Nhà nghiên cứu, Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường. Dường như "cửa thiền" đối với ông đã trở thành một nét đẹp văn hóa ăn sâu trong tâm thức; để rồi khi năm tháng đi qua, ông lại như đóa sen lặng lẽ dâng đời những đứa con tinh thần vô giá...

          Chân dung một con người

          Sinh ra tại Đà Nẵng nhưng tuổi thơ của ông hầu như gắn liền với nguyên quán Thừa Thiên - Huế và trải qua những năm tháng học tập dưới những ngôi trường được xem là danh tiếng bậc nhất ở nơi đây. Thời tiểu học và THCS, ông học ở trường Hàm Long. Với tư chất thông minh, thành tích xuất sắc trong học tập, ông được chọn vào trường Quốc Học, ngôi trường gắn liền với rất nhiều tên tuổi của các nhà văn hóa lớn đương thời.

          Mười mấy năm đèn sách ở xứ sở Thần kinh, mảnh đất non nước hữu tình với sông Hương, núi Ngự... thơ  mộng, trầm tư, sâu lắng; với những câu hò điệu hát làm say đắm lòng người; với một quần thể di tích thành quách và nhiều ngôi chùa nổi tiếng vào bậc nhất cả nước...v.v. Có lẽ cũng bởi dấu chân thời thơ ấu hằn in trên sân trường, trên mỗi con đường, góc phố của đất Cố đô mà ông yêu và say mê với các bộ môn khoa học xã hội. Tình yêu ấy sớm nảy nở trong tâm hồn của một người nghệ sĩ để rồi nâng bước chân ông trên bước đường chinh phục ước mơ và thăng hoa trong sự nghiệp.

          Rời xứ Huế thân thương, nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp đẽ của một thời học sinh trong trẻo, ông vào Sài Gòn, thực hiện những bước đi đầu tiên cho con đường sự nghiệp công danh. Mở đầu bằng việc học ở Viện Đại học Vạn Hạnh, Phân khoa Khoa học Xã hội (1971 - 1975),  rồi tiếp tục học lên cao học tại Khoa Ngữ văn Việt Nam - Trường Đại học Tổng hợp Sài Gòn (1982-1994).

          Năm 1994, ông bảo vệ thành công và nhận bằng thạc sĩ với đề tài “Ngôi chùa trong truyền thống văn hóa làng xã Việt Nam”. Cũng từ đó ông tham gia giảng các môn: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Mỹ thuật Phật giáo Việt Nam, Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Việt Nam, Du lịch Danh lam Cổ tự Việt Nam, Tiếng Việt thực hành, Nhiếp ảnh kỹ thuật số tại nhiều trường trong và ngoài thành phố. Cụ thể như: Học viện Phật giáo Việt Nam (TP. HCM), Học viện Hàng không Việt Nam; Trường ĐH Văn hóa, ĐH Kinh tế, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Hùng Vương, ĐH Văn Hiến, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn,... cùng với nhiều trường đại học và cao đẳng ở các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tây Ninh …v.v.

          Cuộc đời ông nếu như chỉ có thế, cứ bình lặng với vai trò người thầy đưa những chuyến đò tri thức qua sông thì có lẽ cũng không quá đặc biệt. Điều đáng quý nhất ở ông chính là tâm hồn nghệ sĩ và sự trân trọng di sản văn hóa tâm linh vốn có tự ngàn đời. Là một người say mê nghiên cứu văn hóa cổ tự cũng như mang nặng tình yêu với chốn "cửa thiền", ông không quản ngại khó khăn, rong ruổi khắp dặm đường đất Việt, sang đến tận Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Singapore, Nepal, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Lào, Hàn Quốc… để sáng tạo, lưu giữ hình ảnh kiến trúc về các ngôi chùa và cả những chuyến hành hương lễ Phật của chư khách thập phương. Trong vòng 25 năm (từ 1989 đến nay), ông đã sở hữu một gia tài hình ảnh khá đồ sộ với hơn 1.000.000 files ảnh chọn lọc (trong đó có hơn 3.000 ngôi chùa Việt Nam ở trong nước và nước ngoài); có trên 30 lần triển lãm hình ảnh ngôi chùa và tượng Phật Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về danh thắng Phật giáo có giá trị và là người vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập 4 kỷ lục Việt Nam: Người chụp ảnh và lưu trữ ảnh ngôi chùa nhiều nhất Việt Nam (năm 2006);  Tác giả CD Rom “Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam” là tác phẩm điện tử đầu tiên ở Việt Nam (năm 2005); Tác giả CD Rom “Chùa Việt Nam xưa và nay” là tác phẩm có số lượng hình ảnh và bài viết về ngôi chùa nhiều nhất Việt Nam (năm 2007); Đồng tác giả cuốn sách “Hành hương xứ Phật Ấn Độ - Nepal” là tác phẩm viết về xứ Phật được dịch nhiều ngôn ngữ nhất Việt Nam (năm 2010).

          Với những đóng góp thiết thực làm phong phú thêm làng nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam cùng nhiều công trình được xác lập kỷ lục, sau thời gian thẩm định, ông được Hội đồng Khoa học Đại học Kỷ lục Thế giới chính thức công nhận, cấp bằng Tiến sĩ danh dự Đại học Kỷ lục Thế giới cùng với 05 kỷ lục gia khác vào năm 2013. Vinh dự này có thể nói là món quà ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực lao động và cống hiến miệt mài của ông trong hơn ¼ thế kỷ qua.

          Hiện tại, ngoài vai trò là một giảng viên, một nghệ sĩ nhiếp ảnh thực thụ, ông còn tham gia Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM. 

          Những ấn phẩm đi cùng năm tháng

          Sẽ thật thiếu sót khi nói về nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu Võ Văn Tường mà không điểm qua những ấn phẩm đi cùng năm tháng. Ở đó kết tinh cái tình, cái tâm và sức sáng tạo bền bỉ của ông trong hành trình nghiên cứu, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc. Có thể nói, gia tài đáng kể nhất trong cuộc đời ông (tính đến thời điểm hiện tại) là 18 ấn phẩm đặc sắc về ngôi chùa và Phật tích, được phát hành không chỉ ở trong nước mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Khởi đầu với Việt Nam Danh lam Cổ tự, được trình bày bằng 4 ngôn ngữ:  Việt-Anh-Pháp-Hoa,  xuất bản vào năm 1992 và được tái bản liên tục qua các năm 1993, 1994, 1995, 1996. Các tác phẩm đặc sắc khác phải kể đến như: Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội - 1994, viết chung với nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân; Danh lam Nước Việt (NXB Mỹ thuật, Hà Nội - 1995) viết chung với GS. TS Huỳnh Như Phương; Hà Nội Danh lam cổ tự (NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội - 2003) viết chung với Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm; 500 Danh lam Việt Nam (NXB Thông Tấn, Hà Nội - 2008); 108 Danh lam cổ tự Việt Nam (NXB Thuận Hóa, Thừa Thiên Huế - 2007); Phật tích Ấn Độ và Nepal (NXB Văn hóa Thông tin - 2008), viết chung với Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhật Từ; Chùa Từ Đàm - Huế (NXB Thuận Hóa, Thừa Thiên- Huế - 2010), viết chung với Hòa thượng Thích Hải Ấn; Hành hương xứ Phật Ấn Độ - Nepal (Nhà xuất bản Thông Tấn, Hà Nội - 2010), viết chung với Thạc sĩ Nguyễn Trung Toàn; Những ngôi chùa nổi tiếng ở TP. HCM (NXB Trẻ, TP. HCM - 2006),  Sắc Tứ Long An Cổ tự và Hòa thượng Thích Ngộ Thông (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội - 2009), viết chung với nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường; CD-ROM Những Ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam (Công ty Tin học Tin Việt và NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội – 1996, tái bản năm 1998); CD-ROM Chùa Việt Nam xưa và nay (Công ty NVNSOFT và Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội - 2007); Lịch Bloc năm 2011 Giáo hội Phật giáo Việt Nam với 365 ngôi chùa nổi tiếng từ Bắc vào Nam; Lịch Bloc tuần năm 2012 Giáo hội Phật giáo Việt Nam với 51 ảnh/54 ngôi chùa nổi tiếng từ Bắc vào Nam; Lịch Bloc năm 2014 với hình ảnh 365 ngôi chùa nổi tiếng từ Bắc vào Nam

          Ngoài ra, ông còn cùng với GS Nguyễn Lộc chắp bút biên soạn cuốn Nghệ thuật Hát Bội Việt Nam (NXB VH Hà Nội - 1994), với các phần giới thiệu tổng quan về  những nghệ sĩ Hát Bội tiền bối cũng như giới thiệu tổng quan về nghệ thuật Hát Bội;  những nghệ sĩ Hát Bội tiền bối (như: Đào Tấn, Chánh Phẩm, Nguyễn Nho Túy...) và hậu bối (như: Tiến Thọ, Minh Ngọc, Đàm Liên...); giới thiệu một số vở tuồng Hát Bội cũng như cách thức hóa trang...

           Mỗi một ấn phẩm xuất bản được ông và cả những người đồng biên soạn đầu tư kỹ lưỡng, chăm chút về hình ảnh, trình bày một cách rõ ràng, hệ thống. Với những gì bản thân đã làm được, có thể khẳng định ông là một trong những nhà nghiên cứu đã đưa văn hóa, tín ngưỡng và hình ảnh đẹp của đất nước đến với bạn bè thế giới. Ngoài ra, chính ông cũng là người lưu giữ, bảo tồn những giá trị quý ấy và truyền lại cho thế hệ mai sau. Thực sự không hề quá đi khi nói, ông là nhà bảo tàng, là bộ từ điển hình ảnh về những ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục