Anh VÕ VĂN TƯỜNG: 50 năm bên ống kính nghệ thuật

Nếu xem việc người ta có thể theo đuổi, hơn nữa, gắn bó một đời với công việc mình say mê là điều hạnh phúc thì điều này hiếm có hơn với trường hợp của nhà nhiếp ảnh Võ Văn Tường, người đã phát hiện, ghi nhận và đặc biệt cống hiến cho đời những góc cạnh của đời sống tín ngưỡng tâm linh trong đó Phật giáo và sự hiện diện của ánh đạo từ bi trên quê hương và tại những nơi anh đặt chân, là một chủ điểm trong chặng đường cống hiến cho nghệ thuật dài nửa thế kỷ của anh.
Anh VÕ VĂN TƯỜNG:  50 năm bên ống kính nghệ thuật

Nếu xem việc người ta có thể theo đuổi, hơn nữa, gắn bó một đời với công việc mình say mê là điều hạnh phúc thì điều này hiếm có hơn với trường hợp của nhà nhiếp ảnh Võ Văn Tường, người đã phát hiện, ghi nhận và đặc biệt cống hiến cho đời những góc cạnh của đời sống tín ngưỡng tâm linh trong đó Phật giáo và sự hiện diện của ánh đạo từ bi trên quê hương và tại những nơi anh đặt chân, là một chủ điểm trong chặng đường cống hiến cho nghệ thuật dài nửa thế kỷ của anh.

Tình cờ, tôi được biết Anh trong một buổi sinh họat của Hội Từ Bi Quán Thế Âm nhằm gây quỹ giúp người tàn tật, trẻ mồ côi, những người không được may mắn. Với chiếc máy ảnh quen thuộc trong tay, anh đã đưa những sinh hoạt mang nặng từ tâm đến với bao người trên trang nhà. Những bức hình chẳng những chất chứa ý nghĩa của một hành động tương trợ mà còn mang theo nét hoan hỉ rạng rỡ trên mặt người nâng máy. Nhờ hoạt động trên được phổ biến rộng rãi, trong đó những hình ảnh do anh thực hiện hẳn đã góp một phần không nhỏ tác động đến việc hình dung ra một công việc từ thiện cần được thúc đẩy và đóng góp mà từ đó Hội đã nhận được sự yểm trợ rộng rãi về nhiều mặt và sự góp công góp sức của nhiều mạnh thường quân xa gần.

Nhưng, như đã nói, anh không thu hẹp phạm vi hoạt động trong địa phương mà có mặt tại nhiều nơi, những nơi mà đời sống văn hóa xã hội của người Việt được khơi nguồn, phát triển trong đó sự có mặt của những ngôi chùa kèm theo những sinh hoạt tâm linh, văn hóa là một trong những đặc trưng. Tương tự  thời gian ở quê nhà, nơi anh từng nhiều phen lặn lội từ Bắc xuống Nam nhằm góp phần đem lại một phác họa chân xác sự hiện diện một mạch văn hóa dồi dào của quê hương được thể hiện bằng hình ảnh những ngôi danh lam cổ tự.

Thực vậy, thời gian vừa qua, hai cha con anh cùng lái xe đường trường qua nhiều tiểu bang ở Bắc Mỹ để thu thập hình ảnh các khóa Tu học Phật Pháp, sinh hoạt trong đại lễ Phật Đản, Vu Lan, các buổi đại hội của các tổ chức Phật giáo. Gần đây, một cống hiến mà tôi để tâm, thán phục là tập  “Chùa Việt Nam Hải Ngoại " tập 1, vừa được anh cho ra đời, do nhà xuất bản Hương Quê ở San Jose, California ấn hành và phân phối rộng rãi trong mùa Vu Lan. Sách dày trên 700 trang, viết bằng 4 thứ tiếng Việt, Anh, Hoa và Nhật. Nội dung ghi lại bằng hình ảnh lịch sử và hoạt động của 72 ngôi chùa ở hải ngoại như trong lời giới thiệu  “ Mỗi chùa, có thông tin về địa chỉ, điện thọai liên lạc và bài giới thiệu lịch sử ngôi chùa, bài trí tượng thờ… cùng nhiều hình ảnh về kiến trúc, điện Phật, về sinh hoạt Phật sự trong các ngày lễ Tết hàng năm…”  Như thế, chỉ riêng về mặt tài liệu, sách trên đã là một đóng góp đáng kể vào viêc tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đặc biệt nhất, đó là sự hình thành tổ chức có hệ thống của Phật giáo ở hải ngoại.

Với chúng ta, đóng góp trên của anh Võ Văn Tường không chỉ có ý nghĩa một nỗ lực hoằng pháp trên phương diện nghệ thuật mà còn là chứng tích văn hóa trên một chặng đường phát triển của một cộng đồng di dân  nhằm góp phần vào việc tạo hiểu biết lẫn nhau để tiến tới cảm thông, hòa hợp. Thật vậy, tập sách trên ngoài công dụng góp phần xiển dương nền tảng đạo đức dân tộc qua những giá trị nhân bản vị tha của nhà Phật và còn là tập tài liệu giới thiệu với người ngoại quốc những nét văn hóa đặc thù của một dân tộc. Sự ra đời của cuốn sách còn khiến ta không quên thiện ý và cố gắng vượt bực nơi anh Từ Hiếu Côn, giám đốc nhà xuất bản, để sách có thể dễ dàng đến tay người đọc với mức giá 40 Mỹ kim.

Ngồi nói chuyện với Anh, tôi như có được cảm thông đặc biệt  với con đường anh đã đi qua và niềm đam mê làm nên nghệ thuật . “Con bắt đầu chụp hình từ năm 1964, Thầy à. Ban đầu chỉ làm mà chơi thôi, nhưng lần lần, thấy thích, nhất là được sự yểm trợ của gia đình, nên con tiếp tục cho đến bây giờ, 50 năm rồi, thời gian trôi qua cũng mau thật…” Anh kèm theo nụ cười, không biết đã mãn nguyện chưa nhưng trông rất hiền từ, nhân hậu. Nhiều lần gặp Anh bàn về chuyện thông tin đại chúng, vài chương trình văn hóa  nhất là nhằm giới thiệu đạo Phật với xã hội Tây phương, lần nào cũng thấy Anh sốt sắng, hoan hỷ hợp tác với tôi. Chưa nghe anh phàn nàn điều gì cả. Anh chỉ ao ước có sự ủng hộ rộng rãi hơn để thực hiện kế hoạch in sách “Chùa Việt Nam hải ngoại” tập 2. Tôi cũng hơi “bạo gan” khi góp ý với Anh: Xin Anh đề nghị nhà xuất bản, lần tới, khi liên lạc với Chùa nào, thì xin Chùa đó ủng hộ trước cho vài chục cuốn thì chắc sẽ có đủ vốn in..” Anh vẫn cười cười, trả lời khiêm tốn: “Con cũng mong vậy.  Được như sư ông Kim Sơn, hay ôn Thông Hải, ôn Nguyên Siêu, thầy Nguyên Tạng hay một số chư Tôn Đức khác… ủng hộ mạnh mẽ như vừa rồi, thì chúng con rất yên tâm làm việc..” Và Anh vẫn giữ nụ cười, “có Thầy thường khuyến khích thì con vui rồi ”.

Duyên lành gặp gỡ anh và đôi lần hộ trợ anh trong khả năng cho phép chính vì phần lớn bắt nguồn từ sự cảm mến lòng nhiệt thành và khả năng nghệ thuật thể hiện trong tập sách “Việt Nam Danh Lam Cổ Tự” anh cho ra đời cách đây đã 22 năm (1992). Lòng say mê nghệ thuật và những khó khăn để thể hiện được điều muốn ký thác trong tác phẩm khiến cho tôi, vốn đã  có một số kiến thức mỹ thuật nhiếp ảnh ban đầu ở nhà trường, hiểu được những đòi hỏi cần thiết nơi người nghệ sĩ để có thể tạo được sự cảm thông của một tác phẩm nghệ thuật.

Năm xưa, tôi còn có duyên may được tiếp xúc với bác Trần Cao Lĩnh tại chùa Từ Quang, San Francisco, khám phá ra khả năng giao cảm của nghệ thuật khi ngồi trước tấm hình bác chụp, “đôi gìày trận nằm lăn lóc trên bãi cát trắng”. Bất giác, tôi tưởng như “thấy” lại những đồng đội của mình ngày nào đã nằm xuống cho quê hương, những  hy sinh cao cả vô cùng. Không ngờ nay lại may mắn gặp được một người cầm máy hữu danh như anh Võ Văn Tường, làm hàng xóm với gia đình anh tại nơi mình đang định cư và được hân hạnh thưởng thức những tấm hình do anh Tường chụp để  lưu lại dấu vết của Phật giáo nước nhà trên xứ người.

Nghệ thuật chân chính thường ở lại với đời lâu dài hơn một đời người. Năm nay anh đã ngoại 60 nhưng chắc chắn là những bức hình anh làm nên, những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa ấy, sẽ lưu lại trong đời sống văn hóa của cộng đồng trong mai hậu. Xin kính lời chúc mừng đến Anh và xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ, kính thương và cầu chúc Anh và Gia đình nhiều an vui, mạnh khỏe.

Thích Từ-Lực

Chùa Phổ-Từ, Hayward

Ngày 16 tháng 11 năm 2014

 

Một số hình ảnh hoạt động của

nhà nhiếp ảnh Võ Văn Tường

Viếng thăm Yên Tử, Quảng Ninh (2007)

Chụp thắng cảnh Hạ Long, Quảng Ninh (2009)

Chùa Sắc tứ Tịnh Quang, Quảng Trị (2011)

Chụp ảnh chùa Đại Tòng Lâm, Bà Rịa Vũng Tàu (2007)

Chùa Đại Tòng Lâm, Bà Rịa Vũng Tàu (2007)

Chùa Phổ Từ, California (2013)

Chùa Việt Nam, Texas (2013)

Pháp viện Minh Đăng Quang, Florida (2013)

Chùa Bát Nhã, Arkansas (2014)

Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ (2007)

Chụp ảnh Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (2008)

Triển lãm 1.000 tấm ảnh chùa Việt Nam trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (2008)

Đo văn bia ở chùa Thầy, Hà Nội (2007)

Bấm tọa độ chùa Thầy, Hà Nội (2007)

Bấm tọa độ chùa Hoa Yên, Yên Tử (2007)

Hướng dẫn sinh viên Đại học Hùng Vương bấm tọa độ ngôi chùa (2007)

Đọc tham luận tại Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (2008)

Giảng bài tại Trường trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm (2012)

Giảng bài tại Trường trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm (2012)

Giảng học phần Danh lam cổ tự Việt Nam tại Học viện Phật giáo Việt Nam (2009)

Hướng dẫn tăng ni sinh thuyết trình tại Học viện Phật giáo Việt Nam (2014)

Hướng dẫn tăng ni sinh thuyết trình tại Học viện Phật giáo Việt Nam (2014)

Hướng dẫn tăng ni sinh thuyết trình tại Học viện Phật giáo Việt Nam (2014)

Viếng thăm chùa Hội Khánh, Bình Dương (2012)

Chấm khóa luận tốt nghiệp Cử nhân tại Đại học Hùng Vương (2009)

Hướng dẫn sinh viên viết khóa luận về ngôi chùa Việt Nam (2012)

Phát biểu phản biện về đề tài ngôi chùa Việt Nam của sinh viên (2009)

Tin cùng chuyên mục