CHÙA DÂU, BẮC NINH.

Chùa tên Pháp Vân Tự, Diên Ứng Tự, Cổ Châu Tự, thường được gọi là chùa Dâu, chùa Cả, tọa lạc ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đây là ngôi chùa có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam.
CHÙA DÂU, BẮC NINH.

Chùa Pháp Vân cùng các chùa Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện hợp thành chùa Tứ Pháp. Ngoài thờ Phật còn thờ các nữ thần: chùa Pháp Vân thờ Bà Dâu (thần mây), chùa Pháp Vũ thờ Bà Đậu (thần mưa), chùa Pháp Lôi thờ Bà Tướng (thần sấm), chùa Pháp Điện thờ Bà Dàn (thần chớp). Tại vùng Luy Lâu còn có chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp.

Chùa được xây dựng năm 187, hoàn thành năm 226 ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu, là một trung tâm Phật giáo Việt Nam xưa nhất. Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) - người Nam Thiên Trúc, sang Trung Hoa, đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán, được Tam Tổ chỉ dạy về phương Nam truyền đạo - đã đến chùa vào tháng ba năm Canh Tý (580), mở đạo tràng thuyết pháp, lập nên Thiền phái đầu tiên ở Việt Nam, truyền được 19 đời.

Chùa đã được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đứng ra dựng lại với quy mô lớn vào thế kỷ 14 và được trùng tu nhiều lần ở các thế kỷ sau. Chùa có khá nhiều tượng, pháp khí và di vật cổ ở các thế kỷ 15 - 19. Ở tòa thượng điện còn một số mảng chạm khắc của thời Trần, thời Lê.

Chùa kiến trúc theo kiểu “Nội Công ngoại Quốc”. Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Chùa có ban thờ Tam Bảo thượng, ban thờ Tam Bảo hậu và các ban thờ: Bồ tát Quán Thế Âm, Thập bát A La Hán, Bát bộ Kim Cang, Hộ Pháp, Thập Điện Minh Vương…; ban thờ Tổ Tì Ni Đa Lưu Chi, ban thờ Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi.

Ban thờ Pháp Vân ở Tam Bảo thượng gồm tượng Bà Pháp Vân, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Bà Chúa Trắng và Bà Hậu Khe. Tượng Bà Chúa Trắng Trương Thị Ngọc Chử và tượng Bà Hậu Khe Nguyễn Thị Cảo. Tượng Thái phi Ngọc Chử (1666-1750) được tác dạng bán khỏa thân tọa thiền trên một tòa sen. Bà là mẹ của An Đô Vương Trịnh Cương (1685-1729), là vị chúa có nhiều tâm huyết với công cuộc cải cách kinh tế, chính trị. Bản thân Bà cũng đã cho xây dựng, trùng tu nhiều công trình văn hóa dân tộc như chùa Hàm Long, chùa Hồ Thiên, chùa Bút Tháp, chùa Pháp Vân … Tượng Kim Đồng cao 1,67m, tượng Ngọc Nữ cao 1,53m là hai pho tượng thế kỷ 18-19 được tạc mang tính hiện thực theo tỉ lệ 1/1 so với người thật.

Chùa có tháp Hòa Phong ở giữa sân, tương truyền có 9 tầng, nay chỉ còn 3 tầng dưới, cao khoảng 17m, được đại trùng tu vào năm 1737. Chân tháp vuông, mỗi cạnh 7m, có 4 cửa vòm. Trong tháp có treo quả đại hồng chung đúc năm 1793 và khánh đúc năm 1817. Ở 4 góc trong tháp có tượng Tứ Thiên Vương. Trước tháp, có tấm bia dựng năm 1738, và con cừu đá dài 1,33m, cao 0,8m, là hiện vật cổ nhất của chùa thời thuộc Hán.

Ca dao xưa có câu:

                                                Dù ai đi đâu về đâu,

                                   Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.

                                                Dù ai buôn bán trăm nghề,

                                    Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.

Chùa Pháp Vân là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa nay.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục ngày 04/5/2006: “Ngôi chùa xưa nhất”; và kỷ lục ngày 12/12/2007: “Ngôi chùa phát xuất dòng thiền đầu tiên của Việt Nam”.

Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin  công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia ngày 28/4/1962.

Bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu có niên đại thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia ngày 25/12/2017.

Chùa đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt về di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật” năm 2013.

Võ Văn Tường

 

Ảnh 01, 02. Toàn cảnh chùa

Ảnh 03. Sân trước chùa

Ảnh 04. Mặt tiền tòa thượng điện

Ảnh 05. Nhà thờ Tổ và thờ Mẫu

Ảnh 06. Tượng Tam Thế Phật

Ảnh 07. Ban thờ Tam Bảo thượng

Ảnh 08. Ban thờ Pháp Vân

Ảnh 09. Tượng Bà Pháp Vân

Ảnh 10. Ban thờ Tam Bảo hậu

Ảnh 11, 12. Ban thờ Bồ tát Quán Thế Âm

Ảnh 13, 14. Ban thờ Thập bát A La Hán

Ảnh 15, 16. Ban thờ Bát bộ Kim Cương

Ảnh 17, 18. Ban thờ Hộ Pháp

Ảnh 19. Ban thờ Thái tử Tam Châu

Ảnh 20, 21. Ban thờ Thập Điện Minh Vương

Ảnh 22. Ban thờ Tôn giả A Nan

Ảnh 23. Ban thờ Trưởng lão Cấp Cô Độc

Ảnh 24. Tượng Bà Chúa Trắng

Ảnh 25. Tượng Bà Hậu Khe

Ảnh 26. Tượng Kim Đồng

Ảnh 27. Tượng Ngọc Nữ

Ảnh 28. Tượng Tổ Tì Ni Đa Lưu Chi

Ảnh 29. Ban thờ Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi

Ảnh 30. Bản khắc gỗ “Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh”

Ảnh 31. Tháp Hòa Phong

Ảnh 32, 33. Tượng Tứ Thiên Vương trong tháp

Ảnh 34. Lối vào tháp

Ảnh 35. Tượng cừu cổ xưa

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 45.

Tin cùng chuyên mục