CHÙA THẦY, HÀ NỘI.

Chùa Thiên Phúc thường gọi là chùa Thầy hay chùa Cả, tọa lạc ở chân núi Sài, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây Nam.
CHÙA THẦY, HÀ NỘI.

Chùa được dựng vào đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128), lúc bấy giờ là am Hương Hải do Thiền sư Từ Đạo Hạnh lập để tu hành. Về sau, chùa được trùng tu mở rộng với quy mô lớn. Theo Đại Nam nhất thống chí thì Thiền sư họ Từ tên tục là Lộ, con quan Đô sát Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan, quê ở làng An Lăng, huyện Vĩnh Thuận, nay là làng Láng, Hà Nội.

Trước chùa có hồ nước Long Chiểu, giữa hồ có nhà thủy đình là nơi diễn rối nước trong ngày hội hằng năm. Hai bên chùa có cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cho xây năm 1602. Cầu mái lợp theo kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Cầu Nhật Tiên nối sang một hòn đảo nhỏ, có đền thờ Tam phủ. Cầu Nguyệt Tiên bắc qua ao nối vào đường lên núi.

Kiến trúc chùa gồm ba tòa nhà song song với nhau, gọi là chùa Thượng, chùa Trung và chùa Hạ. Giữa chùa Trung và chùa Hạ có ống muống nối với nhau tạo thành chữ “Công”.

Chùa Thượng thờ tượng Di Đà Tam Tôn: đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Đây là bộ tượng cổ nhất cùng loại, được tạo tác vào năm 1602, do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cúng tiến. Tượng bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng; trước ngực mỗi tượng có khắc chuỗi anh lạc vô cùng tinh xảo.

Bộ tượng Di Đà Tam Tôn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 3 ngày 14/01/2015.

Phía trước hương án là bệ đá Bách Hoa đài hai tầng với hai lớp hoa sen, bốn mặt chạm hình rồng và hoa lá, các góc có hình thần điểu Garuda. Đây là bệ đá kép có niên đại thời Trần. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục ngày 12/12/2007:“Ngôi chùa có bệ đá kép thờ Phật bằng đá xưa nhất”.

Liền trước là tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh nhập định trên bệ đá thời Lý. Tượng được tạc vào thế kỷ 19. Bên trái, thờ tượng toàn thân Thiền sư bằng gỗ chiên đàn đặt trong khám. Gian bên phải thờ tượng vua Lý Thần Tông (hậu thân của Thiền sư) đặt trên ngai vàng, được tạc vào năm 1499, đời vua Lê Nhân Tông. Ở đây có đôi phượng hoàng gỗ và 2 tượng phỗng được tạc năm 1735. Chùa Thượng còn hai cây cột làm bằng gỗ quý kim giao có tuổi gần 1.000 năm.

Chùa Trung thờ Phật và Hộ Pháp (mỗi tượng cao khoảng 4m). Chùa Hạ thờ đức A Nan, Cấp Cô Độc và Bát bộ Kim Cương, cũng là nơi lễ bái.

Chùa Thiên Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật” vào năm 2014.

Rời chùa Cả, qua cầu Nguyệt Tiên để lên núi. Ở lưng chừng núi có chùa Cao với hang Thánh Hóa là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh giải thi để đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Trên núi còn có chợ Trời, hang Cắc Cớ, đền Thượng, hang Bụt Mọc, hang Gió, chùa Bối Am …

Võ Văn Tường

 

Ảnh 01, 02. Toàn cảnh chùa

Ảnh 03. Ngôi chánh điện

Ảnh 04. Thủy đình

Ảnh 05. Cầu Nhật Tiên

Ảnh 06. Mặt sau chùa Thượng

Ảnh 07. Nhà thờ Tổ và điện thờ Mẫu

Ảnh 08. Điện Phật chùa Thượng

Ảnh 09-11. Tượng Di Đà Tam Tôn (Bảo vật quốc gia)

Ảnh 12. Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Ảnh 13. Điện Phật chùa Trung

Ảnh 14, 15. Tượng Hộ Pháp

Ảnh 16. Tượng Kim Cương

Ảnh 17-25. Tượng A La Hán

Ảnh 26. Bia cổ

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 32.

Tin cùng chuyên mục