THIỀN VIỆN TRÚC LÂM TÂY THIÊN, VĨNH PHÚC.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tọa lạc tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Thiền viện nằm trên núi, ở độ cao khoảng 300m so với mực nước biển, diện tích khoảng 4,5 hecta. Thiền viện cách Hà Nội khoảng 85 km về phía Tây.
THIỀN VIỆN TRÚC LÂM TÂY THIÊN, VĨNH PHÚC.

Đây là ngôi thiền viện lớn trong Thiền phái Trúc Lâm do Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ khai sáng nhằm khôi phục dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử vào đời Trần.

                        Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì thiền viện được xây dựng trên nền của Thiên Ân thiền tự có từ thế kỷ 3. Hòa thượng Khương Tăng Hội đã dừng chân ở đây, dựng chùa truyền giáo, vì thế nơi đây là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Thiền học Việt Nam được khởi đầu với Hòa thượng Khương Tăng Hội. Ông cũng đem thiền học sang truyền bá ở Trung Quốc thời Tôn Quyền (năm 247). Cha của Khương Tăng Hội là người nước Khương Cư (Sogdiane) cư trú tại Giao Chỉ để buôn bán, mẹ là người Giao Chỉ. Ông mất năm 280 bên nước Tấn.

                        Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt đã tổ chức xây dựng thiền viện vào ngày 04/4/2004. Trong lúc xây dựng ngôi thiền viện mới, các nhà sư đã tìm được rất nhiều viên gạch và mảnh ngói có hoa văn mang dấu ấn thời Trần. Thiền viện đã tổ chức đại lễ khánh thành vào ngày 27/11/2005.

Qua cổng tam quan, hai bên ngôi chánh điện là lầu chuông và lầu trống. Mặt trước cổng tam quan có câu đối khắc chữ Việt:

                                                Tây Thiên vết cổ còn in dấu,

                                                Ấn Độ cao tăng mãi nhớ công.

Ngôi chánh điện có chiều cao 17m, diện tích 675m2. Điện Phật được bài trí trang nghiêm, chính giữa tôn trí tượng đức Phật Thích Ca bằng sa thạch, cao 4m, nặng 14 tấn; hai bên tôn trí tượng Bồ tát Văn Thù và tượng Bồ tát Phổ Hiền. Ở đây có cặp câu đối khắc bằng chữ Việt:

                                            Phật pháp chỉ đường lìa mê về bến giác,

                                            Thiền tông không lối trực ngộ đến chân như.

Phía sau ngôi chánh điện là nhà Tổ thờ tượng Thiền sư Khương Tăng Hội và tượng Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang) bằng sa thạch. Ở đây cũng có câu đối khắc chữ Việt:

                                                Tổ tổ truyền đăng phát huy tâm ấn Phật,

                                                Tăng tăng tục diệm lưu biến chính tông Thiền.

Khu ngoại viện còn có nhà ăn phục vụ cơm chay cho Phật tử và du khách, nhà sách, thư viện. Khu nội viện có thiền đường, tăng đường và trai đường. Thiền viện còn có phòng khách dành cho chư tăng, chư ni ở xa đến chiêm bái, tu tập.

Ngoài việc tu tập và đào tạo Phật học, Thiền viện còn là một điểm tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, tận hưởng khí hậu mát mẻ trong lành và không gian an lạc chốn thiền môn.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập hai kỷ lục tại thiền viện:

  1. Tượng Phật Thích Ca trong chánh điện bằng sa thạch lớn nhất (12/12/2007)
  2. Tượng đức Phật Thích Ca bằng đá saphia lớn nhất (17/5/2013)

 

Thiền viện nằm trong Khu di tích danh thắng Tây Thiên - Tam Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt về Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh” năm 2015.

 

Võ Văn Tường

 

Ảnh 01-04. Toàn cảnh thiền viện

Ảnh 05. Cổng tam quan (mặt sau)

Ảnh 06, 07. Tượng đức Phật Thích Ca bằng đá saphia

Ảnh 08, 09. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm

Ảnh 10, 11. Tháp chông và tháp trống

Ảnh 12, 13. Kiến trúc mái ngôi chánh điện

Ảnh 14. Điện Phật

Ảnh 15. Bàn thờ đức Phật Thích Ca

Ảnh 16. Bàn thờ Bồ tát Văn Thù

Ảnh 17. Bàn thờ Bồ tát Phổ Hiền

Ảnh 18, 19. Bàn thờ Tổ Khương Tăng Hội và Tam Tổ Trúc Lâm

Ảnh 20-30. Phù điêu về cuộc đời đức Phật Thích Ca

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 38

Tin cùng chuyên mục