CHÙA CÔN SƠN, HẢI DƯƠNG.

Chùa tên Thiên Tư Phúc Tự (ngôi chùa được trời ban phúc lành), Côn Sơn Tự, thường gọi là chùa Côn Sơn hay chùa Hun, tọa lạc ở chân núi Kỳ Lân hay núi Hun, cao khoảng 200m, thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Mặt chùa hướng Đông Nam.
CHÙA CÔN SƠN, HẢI DƯƠNG.

Chùa được dựng vào cuối thế kỷ 13. Thời Trần, các vị vua thường đến chùa lễ bái. Năm 1304, Thiền sư Pháp Loa cho xây ngôi chùa nhỏ tên chùa Kỳ Lân. Đến năm 1329, Thiền sư mở rộng chùa thành Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự. Sau đó, Thiền sư Huyền Quang từ chùa Vân Yên (Yên Tử) về trụ trì.

Chùa là một Tổ đình của Thiền phái Trúc Lâm. Thiền sư Huyền Quang viên tịch vào ngày 22 tháng giêng năm Giáp Tuất (1334), vua Trần Minh Tông đã cấp cho ruộng để thờ và cho xây bảo tháp Đăng Minh, thờ Xá Lợi ngài ở lưng chừng núi Kỳ Lân. Hiện nay, giới khảo cổ đã tìm thấy di vật của một ngôi tháp gạch thời Trần cao gần 3m, phủ kín bằng 13 loại hoa văn tinh tế và sinh động. Chùa đã dựng lại tháp Đăng Minh bằng đá, 3 tầng, cao hơn 5m, đặt Xá Lợi và tượng Huyền Quang tôn giả.

Sau tam quan, có đường dẫn đến gác chuông hai tầng tám mái, hai bên có nhiều cây thông cổ. Qua gác chuông, sân trước chùa có nhiều cây đại, cây thông và các tấm bia cổ. Đặc biệt, bia khắc 3 chữ “Thanh Hư Động” là ngự bút của vua Trần Duệ Tông; bia “Côn Sơn tự” do Chiêu Dương Nguyễn Đức Minh soạn năm 1607 nói việc đại trùng tu chùa vào đầu thế kỷ 17 do Thiền sư Thích Pháp Nhãn thực hiện; bia năm 1614 nói chùa bấy giờ có đến 83 gian, có tòa Cửu Phẩm Liên Hoa gắn 385 tượng chư Phật, có tượng Bồ tát Quán Thế Âm ngàn mắt ngàn tay, thếp vàng tượng Tam Thế Phật …

Ngôi chánh điện kiến trúc kiểu chữ Công (I). Chùa còn ngói mũi hài và đá tảng hoa sen là di tích thời Trần. Chùa được trùng tu vào các năm 1995, 2015.

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ tượng: Tam Thế Phật (thế kỷ 17), đức Phật A Di Đà (cao 3m), Thích Ca Tam Tôn (đức Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền), Tôn giả Ca Diếp, Tôn giả A Nan, Thích Ca sơ sinh ở hương án giữa. Ở đây còn có các ban thờ Hộ Pháp, Tôn giả A Nan và Trưởng lão Cấp Cô Độc. Nhà Tổ thờ tượng Trúc Lâm Tam Tổ và tượng Tư đồ Trần Nguyên Đán.

Sau nhà Tổ có ao Rùa và khu vườn tháp. Ở đây có tháp Tổ Huyền Quang.

Sau chùa có Giếng Ngọc (mắt Kỳ Lân) nước trong vắt, có đường lên Bàn Cờ Tiên trên đỉnh núi.

Cuối thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đến Côn Sơn, nhớ Nguyễn Trãi, xúc động viết:

                                          Tịch thổ lâu đài cảnh trí kỳ

                               Cổ nhân trầm tích, dĩ y hy !

                              (Đất Phật lâu đài cảnh đẹp thay

                               Người xưa dấu cũ vẫn còn đây !)

Chùa đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1962. Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn - Kiếp Bạc là Di tích quốc gia đặc biệt ngày 10/5/2012. Bia “Thanh Hư Động” đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia ngày 23/12/2015.

Võ Văn Tường

 

Ảnh 01. Cổng chùa

Ảnh 02. Gác chuông

Ảnh 03. Sân trước chùa

Ảnh 04. Mặt tiền chùa

Ảnh 05-07. Điện Phật

Ảnh 08. Bia “Thanh Hư Động”

Ảnh 09, 10. Bia cổ

Ảnh 11. Bảo tháp

Ảnh 12, 13. Cảnh quan trên đường vào chùa

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 35.

Tin cùng chuyên mục