CHÙA CỔ LÂM - HỘI TÔN, TUY AN, PHÚ YÊN.

Chùa Cổ Lâm - Hội Tôn tọa lạc tại thôn Diêm Điền, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
CHÙA CỔ LÂM - HỘI TÔN, TUY AN, PHÚ YÊN.

Chùa có diện tích đất khoảng 1 hecta, mặt quay hướng đông nam, dựa lưng vào núi Sơn Chà, là một trong những ngôi chùa cổ xưa của tỉnh Phú Yên. Di tích còn lưu lại là khu tháp mộ cổ mang đặc thù kiến trúc tháp mộ Phật giáo Việt Nam thế kỷ 17-18. Chùa mang dấu ấn lịch sử trên con đường hoằng hóa của Tổ Liễu Quán.

Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) người làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên; nay là thôn Trường Xuân, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm lên 6 tuổi, mẹ mất, ngài vào chùa Hội Tôn học đạo với Hòa thượng Tế Viên, vị thiền sư Trung Quốc khai sơn chùa Hội Tôn. 7 năm sau, khi bổn sư viên tịch, ngài ra Thuận Hóa đảnh lễ thọ giáo với Hòa thượng Giác Phong, vị thiền sư Trung Quốc khai sơn chùa Báo Quốc.

Chùa Hội Tôn là ngôi chùa cổ nhất ở Phú Yên do Hòa thượng Tế Viên khai sáng. Chùa nguyên ở địa phận xứ Mằng Lăng, sau dời về Sơn Chà, đổi tên chùa Cổ Lâm.

Ngày 31/12/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã cấp bằng xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, thành phố Chùa Cổ Lâm - Hội Tôn. Để tái thiết ngôi chùa cổ nhất của tỉnh, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên đã tổ chức long trọng lễ đặt đá xây chùa vào ngày 31/12/2015 nhân ngày húy nhật Tổ sư Liễu Quán (22 tháng 11 âm lịch hằng năm). Buổi lễ có sự quang lâm chứng minh của chư Tôn đức trong Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên và các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh …

Chùa Cổ Lâm - Hội Tôn được tái thiết ngay trên nền cũ chùa Cổ Lâm, nơi lưu di tích chùa Hội Tôn, cách chùa Cổ Lâm 700m. Qua thế cuộc chiến tranh thời Pháp thuộc, pháp khí và vườn tháp chùa Hội Tôn đã được di dời đến chùa Cổ Lâm. Chùa Hội Tôn xưa chỉ còn lưu dấu một ngôi tháp, 3 giếng nước cùng nền gạch cũ trong khuôn viên nhà dân. Từ ý nghĩa lịch sử này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên đã đặt tên ngôi cổ tự này là chùa Cổ Lâm - Hội Tôn.

Kiến trúc chùa ngày nay có dạng cổ lầu, xây 3 căn nhà kề nhau. Ngôi chánh điện ở giữa, bên phải là Tổ đường thờ Tổ sư Liễu Quán, bên trái là Tổ đường Cổ Lâm - Hội Tôn.

Điện Phật được bài trí trang nghiêm, thờ đức Phật Thích Ca ở hương án giữa, án thờ hai bên tôn trí các tượng: Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng; Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Phía trước Phật điện tôn trí tượng Bồ tát Di Lặc, Hộ Pháp Vi Đà và Tiêu Diện Đại Sĩ.

Tổ đường Liễu Quán thiết kế bàn thờ trang nghiêm, thờ tượng và long vị Tổ sư.

Bên phải Tổ đường Liễu Quán, chùa tôn trí tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên. Pho tượng xây trên triền núi có độ cao 20m so với mặt đường. Tượng Bồ tát cao 21m, mặt hướng phía tây. Tôn tượng được các nghệ nhân ở thành phố Hồ Chí Minh tạo tác bằng xi măng cốt thép năm 2018.

Ngôi chùa Cổ Lâm - Hội Tôn ngày nay thật khang trang, mỹ lệ.

Võ Văn Tường

Toàn cảnh chùa

Ngôi chánh điện

Điện Phật

Tổ đường

Tổ đường Liễu Quán

***

Tài liệu tham khảo:

Huệ Khải, 2016, Phú Yên: Lễ đặt đá đại tái thiết chùa Cổ Lâm - Hội Tôn, Trang tin điện tử Phật giáo tỉnh Nam Định, ngày 01/01/2016.

http://phatgiaonamdinh.vn/tin-tuc/blog-chua/phu-yen-le-dat-da-dai-tai-thiet-chua-co-lam-hoi-ton.html

 

Chú thích ảnh:

01-02  Toàn cảnh chùa Cổ Lâm - Hội Tôn

03        Đài Bồ tát Quán Thế Âm

04        Ngôi chánh điện

05-06  Điện Phật

07        Tượng Bồ tát Di Lặc

08        Bàn thờ Bồ tát Quán Thế Âm

09        Bàn thờ Bồ tát Địa Tạng

10        Tượng Bồ tát Văn Thù

11        Tượng Bồ tát Phổ Hiền

12        Tượng Hộ Pháp Vi Đà

13        Tượng Tiêu Diện Đại Sĩ

14        Tổ đường Tổ sư Liễu Quán

15        Bàn thờ Tổ sư Liễu Quán

16        Tượng và long vị Tổ sư Liễu Quán

17        Tổ đường

18        Bàn thờ chư Tổ

19        Đại hồng chung

20        Trống

21        Khu tháp cổ

22-24  Tháp cổ - di tích chùa Hội Tôn

25        Bằng Di tích của UBND tỉnh Phú Yên

26        Bia lưu niệm Lễ đặt đá tái thiết chùa.

 

Tin cùng chuyên mục