CHÙA BA VÀNG, QUẢNG NINH.

Chùa tên Bảo Quang Tự, thường gọi chùa Ba Vàng, tọa lạc tại phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Chùa nằm ở độ cao 340m so với mặt nước biển. Chùa tựa lưng vào núi Thành Đẳng, phía trước là con sông Bạch Đằng lịch sử, xa xa là thành phố cảng Hải Phòng với biển Đồ Sơn.
CHÙA BA VÀNG, QUẢNG NINH.

Tư liệu ở chùa cho biết chùa được xây dựng vào thời Trần, thế kỷ 13. Qua nhiều năm tháng chiến tranh và thiên tai, chùa trở thành hoang phế. Đến năm 1706, triều vua Lê Dụ Tông, Thiền sư Tuệ Bích Phổ Giác (1659-1758) đã phục dựng lại chùa, là vị sơ tổ của chùa. Chùa bị hư hỏng một thời gian dài. Năm 1988, từ một người dân tìm thấy dấu tích chùa xưa, chùa đã được xây dựng lại. Năm 1993, chùa được trùng tu. Di vật xưa còn lại là: 1 bia đá cao 0,52m, rộng 0,38m; 2 con rùa đá và 1 cây hương bằng đá cao 1,2m 4 mặt, mỗi mặt rộng 0,22m.

Năm 2007, thầy Thích Trúc Thái Minh từ Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt được nhân dân địa phương thỉnh về trụ trì. Năm 2011, thầy đã tổ chức xây dựng ngôi chùa khang trang với quy mô kiến trúc hiện đại, rộng lớn. Tổng thể kiến trúc và bài trí điện Phật đều theo mô hình của những ngôi chùa cổ miền Bắc kết hợp với kiến trúc của hệ thống thiền viện Thiền tông Việt Nam. Sau 3 năm xây dựng, chùa đã hoàn thành một số công trình: Ngôi chánh điện, lầu chuống, lầu trống, hành lang A La Hán, Bảo tàng, thư viện, nội viện Tăng, thiền đường, cổng tam quan ngoại, cổng tam quan trung, cổng tam quan nội, bãi đỗ xe và một số công trình phụ.

Ngày 09/3/2014, chùa đã tổ chức long trọng Đại lễ khánh thành và đón nhận kỷ lục của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam: «Ngôi chùa trên núi có tòa chánh điện lớn nhất».

Ngôi chánh điện lớn được thiết kế 2 tầng với diện tích mặt sàn là 4.767,32m2; trong đó, mặt sàn tầng 1 là 1.683,65m2, mặt sàn tầng 2 là 3.083,67m2. Chiều cao nơi cao nhất của ngôi chánh điện là 28,42m, chiều dài nơi dài nhất là 67,9m và chiều rộng nơi rộng nhất là 54,25m. Đến ngày 26/4/2014, Tổ chức Kỷ lục Đông Dương đã xác lập kỷ lục: «Ngôi chùa trên núi có tòa chánh điện lớn nhất».

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ tượng Tam Thế Phật, đức Phật A Di Đà, đức Phật Thích Ca, chư Bồ tát: Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Đại Trí Văn Thù, Đại Hạnh Phổ Hiền; chư Tôn giả: Ca Diếp, A Nan; các ban thờ: Hộ Pháp, Tôn giả A Nan và Trưởng lão Cấp Cô Độc. Hành lang hai bên thờ Thập bát A La Hán. Nhà Tổ thờ Trúc Lâm Tam Tổ (Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang).

Chùa có chiếc trống được làm từ một thân cây gỗ đỏ liền khối, có đường kính mặt trống là 1,5m, đường kính thân trống là 1,8m, chu vi thân trống là 5,5m, chiều dài trống là 2,5m. Chiếc trống này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập vào ngày 21/9/2013: «Ngôi chùa có chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối lớn nhất».

Trước cổng tam quan nội có chùa Một Cột dựng trên hồ nước có rồng chầu. Kế bên là tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá hoa cương cao 9,5m, nặng 65 tấn.

Chùa còn có giếng cổ được gọi là giếng thần quanh năm nước trong và không bao giờ cạn.

Ngôi chùa ngày nay đã xây dựng nhiều công trình lớn như: hội trường, nhà Tổ, nhà khách, nhà trai … phục vụ Phật tử địa phương và các đoàn Phật tử hành hương đông đảo viếng chùa có nơi sinh hoạt, tu tập, lễ bái.

Võ Văn Tường

Ảnh 01, 02. Toàn cảnh chùa

Ảnh 03. Biển tên chùa

Ảnh 04. Cổng tam quan ngoại

Ảnh 05-07. Đường vào chùa

Ảnh 08, 09. Cổng tam quan trung

Ảnh 10. Toàn cảnh chùa

Ảnh 11. Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm

Ảnh 12. Chùa Một Cột

Ảnh 13. Cảnh hồ trước cổng tam quan nội

Ảnh 14-16. Cổng tam quan nội

Ảnh 17-19. Điện Phật

Ảnh 20, 21. Ban thờ Hộ Pháp

Ảnh 22. Ban thờ Tôn giả A Nan

Ảnh 23. Ban thờ Trưởng lão Cấp Cô Độc

Ảnh 24, 25. Ban thờ Thập bát A La Hán

Ảnh 26, 27. Nhà Tổ

Ảnh 28, 29. Ban thờ Trúc Lâm Tam Tổ

Ảnh 30. Đại hồng chung

Ảnh 31, 32. Trống độc mộc bằng gỗ đỏ

Ảnh 33-35. Giếng thần

Ảnh 36-53. Cảnh quan ở sân trước chùa

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 48.

Website: chuaviettoancau.com

Tin cùng chuyên mục