CHÙA ĐẠI LỘC - NGÔI CHÙA NAM TÔNG NGƯỜI VIỆT ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT PHẬT ẤN ĐỘ

Chùa Đại Lộc tọa lạc tại số 13/46 M-5 Khajuhi, Sarnath, Varanasi – 221007, U.P. (India) - nơi có tháp Chuyển Pháp Luân, là một trong Tứ Động Tâm của Phật giáo tại đất Phật Ấn Độ, Nepal.
CHÙA ĐẠI LỘC - NGÔI CHÙA NAM TÔNG NGƯỜI VIỆT ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT PHẬT ẤN ĐỘ

Chùa Đại Lộc có diện tích 5.170m2, được Thượng tọa Thiện Minh và Thượng tọa Tường Quang vận động Phật tử trong nước và nước ngoài mua đất thành lập vào năm 2009. Chùa tổ chức Lễ động thổ vào ngày 06/12/2009. Sau 5 năm xây dựng, chùa chính thức làm lễ Kiết giới Sima vào ngày 05/12/2014 và đại lễ khánh thành vào ngày 06/12/2014 với các hạng mục đã hoàn thành: Chánh điện, tượng đức Phật Chuyển Pháp Luân, tăng xá, trai đường, hội trường, thư viện, chùa Một Cột (đặt đại hồng chung), Khuê Văn các (đặt đại tháp trống) … Đến dự lễ khánh thành, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Giải thưởng Đạo Phật Ngày Nay đã trao giải thưởng “Đạo Phật Ngày Nay về Văn Hóa 2014” cho Thượng tọa trụ trì Tường Quang, ghi nhận các đóng góp to lớn của Thượng tọa cho văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Đặc biệt, pho tượng đức Phật Chuyển Pháp Luân được tạo tác bằng đá sa thạch, nặng 1.200 tấn (đúc từ 660 khối đá, khối nặng nhất là 5 tấn, nhẹ nhất là 1,2 tấn), cao 24m là pho tượng mỹ thuật lớn nhất của tự viện Phật giáo Nam tông người Việt toàn cầu. Phía dưới đài sen, mặt trước có khắc bài kinh Chuyển Pháp Luân bằng tiếng Pali và tiếng Việt. Bản dịch tiếng Việt của Đại lão Hòa thượng Hộ Tông. Dưới bài kinh là phù điêu đắp nổi tượng năm anh em ông Kiều Trần Như là: Kondanna (Kiều Trần Như), Bhaddiya, Vappa, Mahanama và Asaji cùng 2 biểu tượng bánh xe Pháp.

Hai bên đại tượng, chùa tôn trí tượng đá hai đại thí chủ thời đức Phật là: trưởng giả Cấp Cô Độc (Maha Upasaka Anathapindika); nữ cư sĩ Tỳ Xá Khư (Maha Upasika Mata Visakha); và tượng đá bốn đầu sư tử của vua Asoka. Nguyên trụ đá có bốn đầu sư tử được vua Asoka cho khắc dựng tại thánh địa Chuyển Pháp Luân ở Sarnath cao 15m, có khắc chỉ dụ của vua: “Không ai được gây chia rẽ trong Tăng đoàn”. Dưới bốn con sư tử có bốn bánh xe Pháp 24 căm xen kẻ với bốn linh thú: voi, bò đực, ngựa và sư tử.

Điện Phật được thiết kế trong lòng pho tượng đức Phật Chuyển Pháp Luân. Hương án giữa tôn trí tượng đức Phật Thích Ca thành đạo; án thờ hai bên tôn trí tượng Thánh Tăng Tài Lộc tượng cố Hòa thượng Hộ Tông (1893-1981), Sơ Tổ Phật giáo Nam tông Kinh Việt Nam cùng các vị hữu công.

Vào ngày 01/01/2016, chùa hoàn thành cổng chùa bằng đá, cao 9m, ngang 6m, với 24 khối đá, xây dựng theo kiến trúc cổ của Ấn Độ truyền thống Sanchi. Trên cổng có 64 bức phù điêu đá và tượng miêu tả cuộc đời đức Phật; Ngài thực hành Pháp độ; Ngài quán duyên chúng sanh; cảnh Tứ Động Tâm; cảnh khổ ở địa nguc … Cổng đặt bánh xe Pháp ở giữa tầng trên cùng; các tầng ngang có nhiều tượng sư tử, voi, ngựa và bò đực là “tứ linh” của người Ấn.

Sân trước chùa có tôn trí một số tượng:

1. Tượng vua Asoka (A Dục). Văn bia khắc ở đế tượng tiếng Anh và tiếng Việt ghi: “Vua Asoka là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất của Ấn Độ, thuộc triều đại Maurya, người trị vì gần như toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ 268-232 TTL. (…) Ông dốc sức cho việc truyền bá đạo Phật trên khắp châu Á, và dựng bia, xây tháp đánh dấu những thánh tích quan trọng trong cuộc đời của đức Phật Gautama. (…) Nhà vua được dân chúng nhớ đến như một vị minh quân hiền đức…”.

2. Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Văn bia khắc ở đế tượng tiếng Anh và tiếng Việt ghi: “Vua Trần Nhân Tông (1258-1308), là vị hoàng đế thứ ba của nhà Trần. Ông trị vì 15 năm (1278-1293), và làm Thái Thượng Hoàng 15 năm. Ông được ca tụng như minh quân bậc nhất  trong lịch sử Việt Nam (…) Ông là người đã thành lập Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái nổi tiếng ở Việt Nam…”.

3. Tượng Trưởng lão Hòa thượng Trì Giới (Guttasilo Mahathero) ngồi dưới cội Bồ đề cành lá sum suê. Ngài thọ 106 tuổi (1914-2020). Ngài là người cho Thượng tọa trụ trì Tường Quang 01 usd và động viên Thượng tọa đi mua đất xây chùa cho người Việt Nam.

4. Tượng đức Phật Chuyển Pháp Luân làm mẫu để tạo tác pho đại tượng.

Chùa còn giữ một số tấm bia lưu niệm:

1. Bia Đại lễ lạc thành ngày 06/12/2014, Phật lịch 2558 có khắc tên chư Tôn đức Tăng và khách quý dự lễ: HT. Thích Thiện Nhơn, HT. Kim Triệu, HT. Thích Thiện Tâm, HT. Viên Minh, HT. Hữu Hinh, HT. Thích Thiện Pháp, HT. Thích Thiện Tánh, HT. Trì Giới, HT. Thích Thiện Đức, HT. Thích Đạt Niệm, TT. Thích Huệ Thông, TT. Bửu Chánh, TT. Danh Lung, TT. Giác Trí và Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành.

2. Bia phụng cúng tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật: 2/3 công trình tạc tôn tượng đức Phật Chuyển Pháp Luân do gia đình ông Giang Khánh, bà Phạm Thị Nhu (pháp danh Diệu Nghĩa) và các cháu.

3. Bia cúng dường Chùa Một Cột: TT. Thích Thiện Minh, trụ trì Tổ đình Bửu Quang, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Hằng năm, vào ngày 15/10 (âm lịch), chùa tổ chức lễ Dâng y Kathina cho khoảng 100 chư Tăng các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Tây Tạng, Việt Nam … đang du học tại Đại học Varanasi. Chùa cũng có nhiều phòng nghỉ cho chư Tăng du học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ ở Đại học Varanasi và Đại học Quốc tế Theravada.

Viện chủ chùa Đại Lộc là Thượng tọa tiến sĩ Thiện Minh đã viên tịch vào năm 2018. Hiện nay, Thượng tọa tiến sĩ Tường Quang trụ trì đảm đương mọi việc Phật sự và xây dựng tại hai chùa Đại Lộc. Thượng tọa Tường Quang cho biết đã tổ chức Lễ động thổ xây dựng chùa Đại Lộc 2 có diện tích 14.000m2 tại Ajanta, miền Nam Ấn Độ vào ngày 01/12/2023 với sự có mặt chứng minh của đông đảo chư Tôn đức, khách quý và Phật tử ở Việt Nam và Ấn Độ: HT. Thiện Pháp, trụ trì chùa Thiền Quang 1, Đồng Nai; HT. Huyền Diệu, trụ trì An Việt Nam Phật Quốc tự, Bodh Gaya; HT. Quang Minh, trụ tri chùa Phật Bảo, TP. Hồ Chí Minh v.v…

Chùa Đại Lộc (Bắc Ấn) và chùa Đại Lộc 2 (Nam Ấn) là điểm mới chiêm bái của các đoàn hành hương Phật giáo Quốc tế, nhất là các đoàn hành hương người Việt về miền đất Phật.

Võ Văn Tường

Website: chuaviettoancau.com

***

Tượng đức Phật Chuyển Pháp Luân

Chùa Một Cột (tháp chuông)

Khuê Văn các (tháp trống)

Tượng vua Asoka

Tượng vua Trần Nhân Tông

Tượng Hòa thượng Trì Giới

Điện Phật

Đoàn hành hương viếng chùa

Chú thích ảnh:

 

  1. Toàn cảnh chùa Đại Lộc
  2. Tượng đức Phật Chuyển Pháp Luân
  3. Chùa Một Cột (tháp chuông)
  4. Khuê Văn các (tháp trống)
  5. Tượng vua Asoka
  6. Tượng vua Trần Nhân Tông
  7. Tượng Trưởng lão Hòa thượng Trì Giới
  8. Điện Phật. Tượng đức Phật thành đạo
  9. Bàn thờ Thánh Tăng Tài Lộc
  10. Bàn thờ cố Hòa thượng Hộ Tông
  11. Đoàn hành hương của chư Ni và Phật tử ở Hoa Kỳ và Việt Nam viếng chùa ngày 16/11/2023
  12. Thượng tọa trụ trì Tường Quang giới thiệu chùa với đoàn hành hương
  13. Bia công đức phụng cúng tượng đức Bổn Sư

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục