CHÙA TRẤN QUỐC, HÀ NỘI.

Chùa Trấn Quốc, Hà Nội.
CHÙA TRẤN QUỐC, HÀ NỘI.

Chùa tọa lạc ở số 32 đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

            Chùa nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ đời Lý Nam Đế (544-548) tại thôn Yên Hoa, gần bờ sông Hồng. Năm 1615, bãi sông Hồng bị lở, chùa được dời vào bãi đảo Kim Ngư (địa điểm hiện nay). Chùa được trùng tu, mở rộng vào các năm 1639, 1821, 1842, 2010. Năm 1842, vua Thiệu Trị viếng chùa, đổi tên chùa Trấn Bắc. Qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa ngày nay mang diện mạo kiến trúc thời Nguyễn. Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất của thành phố Hà Nội.

Chùa là nơi hành đạo của nhiều danh tăng như: Thiền sư Vân Phong, Tăng thống Khuông Việt Chân Lưu, Quốc sư Thảo Đường, Thiền sư Thông Biện, Thiền sư Viên Học … Thiền sư Thảo Đường là đệ tử của Thiền Sư Trùng Hiển ở Chiết Giang, Trung Quốc. Ngài được vua Lý Thánh Tông phong làm Quốc sư, mời làm trụ trì chùa Khai Quốc. Tại đây, Ngài lập Thiền phái Thảo Đường, truyền thừa được 5 đời (1069-1205).

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Đa số tượng thờ ở chùa mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19. Hệ thống tượng thờ gồm: Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn (A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí), Thích Ca Tam Tôn (Thích Ca Mâu Ni, Văn Thù, Phổ Hiền), Di Lặc Tam Tôn (Di Lặc, Pháp Hoa Lâm, Đại Diệu Tường), Chuẩn Đề, Phạm Thiên, Đế Thích, tòa Cửu Long, đức Phật nhập Niết Bàn, Hộ Pháp, Minh Vương, A Nan, Cấp Cô Độc …

Ở sân chùa có cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad (1952-1962) tặng khi đến thăm chùa vào ngày 24/3/1959.

Ngày 29/11/2003, chùa tổ chức khánh thành bảo tháp Lục Độ Đài Sen 11 tầng, cao 15m, diện tích mặt sàn 10,5m2, tôn trí 66 pho tượng đức Phật A Di Đà bằng đá quý trong 66 ô cửa vòm.Trên đỉnh tháp có một tháp sen Cửu phẩm Liên hoa được tạc bằng đá.

 

Ảnh 01, 02. Đường vào chùa

Ảnh 03. Mặt tiền chùa

Ảnh 04, 05. Điện Phật

Ảnh 06. Tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn

Ảnh 07. Bảo tháp Lục Độ Đài Sen

Ảnh 09. Bia chùa

Ảnh 10. Cây bồ đề ở sân trước chùa

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 17.

Tin cùng chuyên mục